Căn bệnh thích thể hiện của người Việt

Các ông bố bà mẹ thường lấy làm khó chịu, căng thẳng, bực bội, cáu giận, quát mắng với bọn tuổi mới lớn. Phần đa là bởi chúng hay cãi chem chẻm và làm ngược lại những điều dù đúng hay sai của người lớn dạy. Sai nó cãi đã đành, đúng nó vẫn cãi.

08:00 28/10/2020

Thật ra không có gì lạ, bọn trẻ mới lớn, tâm sính lý chưa ổn định, giai đoạn giao thời từ đứa trẻ lên người trưởng thành là thời điểm chúng khám phá học hỏi quá nhiều kiến thức mới nhưng chưa đủ, chúng đã vội tưởng những gì mình mới tìm hiểu được là chân lý, là cái đúng nhất. Chúng muốn khẳng định bản thân, muốn thể hiện để được công nhận. Thế là chúng cãi bay cãi biến mọi thứ một cách ngang tàng để được chú ý và quan tâm lẫn khẳng định. Hầu hết bọn mới lớn đều thế.

Con gái mình bảo, “Thật ra thì chẳng thể làm gì để thay đổi cái tính đó của bọn mới lớn đâu, chỉ cần yêu nó và cho nó biết mình yêu nó là được.” Nàng đã trải qua thời điểm đó, nàng hiểu khi bọn trẻ lớn thêm nữa, học thêm nhiều nữa, tự chúng sẽ nhận ra bản thân đã ngông cuồng như thế nào thì sẽ tự điều chỉnh thôi.

Nhớ lại hồi chúng ta còn tuổi mới lớn, không nhiều thì ít cũng có những biểu hiện như thế. Điều này không có gì sai trái bởi nó là tâm lý bình thường trong một giai đoạn ai cũng phải trải qua.

Thế nhưng, khi chúng ta đã trưởng thành về mặt thể chất, đã là người lớn rồi, mà tâm tính, nhận thức vẫn như tuổi mới lớn, vẫn “trẻ trâu” thì thật thảm hại cho bản thân và những người xung quanh. Tôi nhận thấy điều này ở khá nhiều người Việt. Tôi gọi đó là “hội chứng trẻ trâu.”

Bởi cái “hội chứng trẻ trâu” ở họ mà mọi cuộc tranh luận thường dễ rơi vào bế tắc hoặc biến thành chửi nhau do “đứa trẻ trâu” nào trong họ cũng muốn thể hiện và khẳng định. Sai họ cãi, đúng cũng cãi, bới bèo ra bọ để cãi, lộn ngược lộn xuôi để cãi, chân lý, nguyên tắc, văn hóa, đạo đức… đều là muỗi so với “đứa trẻ trâu” trong họ.

Hôm trước nói chuyện với một người bạn về chủ đề này, bạn bảo, “Bao nhiêu năm học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, kiến thức một chiều, đến khi tớ biết vào mạng, đọc nhiều, tìm hiểu thì vỡ òa ra nhiều thứ và lúc ấy cứ nghĩ là mình đã tìm ra chân lý, rất trẻ trâu. Cũng may là tớ vượt qua giai đoạn đó khá nhanh để trưởng thành hơn về mặt nhận thức. Có người nhanh vượt qua, có người chậm, nhưng cũng có người bị đóng khung luôn ở đấy.”

Chính cái sự đóng khung ấy làm cho người lớn mãi “trẻ trâu” trong tư duy, không học được thêm, không thể tiến bộ về mặt nhận thức, coi khinh mọi giá trị, vô lễ với tri thức, bỉ bôi những gì khác với điều mình biết, thậm chí còn phỉ báng con người, dân tộc.

Tôi nhớ hồi mới tham gia mạng xã hội, tôi thường xuyên đọc blog Alan Phan, blog Hiệu Minh, sau thêm blog Anh Ba Sàm… Tôi hay viết bình luận trên blog Alan Phan và blog Hiệu Minh. Tôi học được nhiều điều từ các chủ blog và các anh, chị bạn đọc tham gia bình luận trong các blog. Trong đó, tôi đặc biệt kính trọng và biết ơn một người có nick là Tịt Tuốt. Ông chính là người thầy làm cho tôi không bị hội chứng trẻ trâu.

Ông vui tính, có kiến thức sâu, rộng trong nhiều lĩnh vực, khẳng khái nhưng cũng rất khiêm tốn, luôn đúng mực trong cách viết, trình bày. Với người trẻ như tôi, ông luôn dành cho sự bao dung và hướng dẫn chu đáo, chân tình mỗi khi tôi có những nhận định chưa đúng, chưa đủ. Thâm tâm tôi coi ông là người thầy dù không biết mặt, không biết tên, không liên lạc qua kênh khác ngoài phần bình luận trên blog. Sau này, ông bỗng dưng biến mất tăm không bình luận trên trang nào nữa. Tôi hụt hẫng. Cho đến giờ vẫn cảm thấy hụt hẫng như thiếu một cái gì quan trọng lắm.

Quay lại “hội chứng trẻ trâu”, làm sao để nhanh thoát ra khỏi tình trạng đó? Ở trẻ mới lớn, bố mẹ cần sự thấu hiểu và kiên trì dạy bảo, trẻ sẽ vẫn cãi nhưng chúng sẽ tiếp thu và dần điều chỉnh. Nhưng với người lớn mắc bệnh thích thể hiện – “hội chứng trẻ trâu” thì sao? Khó quá. Tôi chia ra làm hai thành phần thông qua biểu hiện của họ để có cách đối xử khác nhau:

– Những người tương tự như đứa bạn tôi kể ở trên, họ chỉ cần chút thời gian, sự thấu hiểu, chia sẻ kiến thức, góc nhìn khác một cách ôn tồn để họ mở rộng tầm nhìn đa chiều là họ nhận ra ngay và thay đổi rất nhanh. Với họ, tôi luôn kiên nhẫn, dịu dàng và chăm chút từng xíu một… giống như ngày xưa chú Tịt Tuốt đã từng đối xử với tôi như vậy. Rất hiệu quả.

– Những người nặng hơn, đa phần là lớn tuổi, có chút địa vị hoặc tên tuổi thì tôi thường viết thẳng vài câu, họ chợt nhận ra thì tốt, không nhận ra thì thôi, tôi không quan tâm thêm bởi qua nhiều lần với nhiều người tôi hiểu họ không thể thay đổi, không thể trông mong ở họ thêm gì. Họ không giúp gì được cho tiến trình tìm kiếm con đường thay đổi cho đất nước.

Ngày trước, chú Tịt Tuốt đã không ngần ngại mà chỉ bảo tôi, tôi biết ơn chú nhưng không thể hồi đáp cho cá nhân chú nên tôi hồi đáp bằng cách viết lại những kiến thức mình thu nhặt được cho những người còn chưa biết, như một cách trả ơn cuộc đời. Vì việc này tôi bị ghét nhiều, người ta bảo tôi “dạy đời”. Việc đúng thì mình làm thôi. Trong quá trình viết, trao đổi trên trang cá nhân, tôi cũng lại học thêm được rất nhiều thứ từ bạn đọc, trong đó có những người trẻ hơn mình nhiều.

Kiến thức bao la, khả năng con người có giới hạn, hiểu vậy để đừng đặt mình làm trung tâm vũ trụ, tinh hoa tinh bông gì gì thì ta sẽ không bị thói ngông cuồng ngạo mạn làm cho trở thành trẻ trâu vậy.

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà

Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

Nguồn: trithucvn.net

Tags:
Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất