Chặng về đích trong cuộc đua giành ghế Tổng thống Mỹ
Hôm nay (3/11) là một ngày trọng đại đối với nước Mỹ khi hàng triệu người dân sẽ bỏ phiếu để bầu ra người sẽ giữ vị trí ông chủ Nhà Trắng trong 4 năm tới.
10:00 03/11/2020
Đây có thể được coi là sự kiện chính trị quan trọng nhất tại Mỹ trong năm 2020. Thước đo sự ủng hộ của cử tri đối với các ứng cử viên Tổng thống Mỹ chính là sự quan tâm của họ tới cuộc bầu cử khi số người đi bỏ phiếu sớm cao kỷ lục và tỷ lệ bỏ phiếu năm 2020 được dự báo sẽ cao nhất trong vòng 100 năm qua.
Sở dĩ các cử tri Mỹ đặc biệt quan tâm tới cuộc bầu cử năm nay chính là bối cảnh nước Mỹ hiện tại đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề từ dịch bệnh Covid-19 khiến hơn 230.000 người tử vong cho tới chia rẽ xã hội và các vấn đề sắc tộc bùng phát trong thời gian qua. Chính vì vậy, người dân Mỹ kỳ vọng lá phiếu của họ sẽ chọn ra một vị tổng thống nhiệm kỳ mới để sớm đưa nước Mỹ ra khỏi tình cảnh hiện nay, đối với những người ủng hộ ứng cử viên Donald Trump thì là khiến nước Mỹ hùng mạnh trở lại, còn đối với các cử tri ủng hộ ứng cử viên Joe Biden thì là sự đoàn kết và khôi phục lại những giá trị Mỹ đã bị đánh mất dưới thời Tổng thống Donald Trump.
“Bước chạy nước rút” của cả hai ứng cử viên
Ngay sau các cuộc tranh luận tổng thống thì cả hai ứng cử viên đều đã tiến hành các hoạt động vận động cử tri con thoi, đặc biệt là tại các tiểu bang chiến địa. Trong lịch sử tranh cử, bầu cử tổng thống ở Mỹ thì bao giờ những bang chiến địa đều hết sức quan trọng vì các cử tri ở đó có thể thay đổi quan điểm bất cứ lúc, kể cả vào giờ chót, kể cả ngay tại phòng phiếu.
Các bang chiến địa mà cả hai ứng cử viên đều đã tập trung vận động tranh cử trong thời gian qua đó là Arizona, Florida, Georgia, Michigan, Minnesota, Bắc Carolina, Pensylvannia, và Wisconsin. Đây là các bang mà ông Donald Trump đã thắng cử hoặc là sát nút với bà Clinton trong cuộc bỏ phiếu năm 2016, tuy nhiên điều đáng chú ý khác là trong số 538 phiếu đại cử tri thì riêng 8 bang này đã chiếm tới 127 ghế. Ngoài những bang này ra thì các ứng cử viên cũng đang vận động cử tri ở một số bang khác mà trước đây vốn nghiêng về một đảng thì năm nay có thể nghiêng về đảng kia. Ví dụ như bang Texas trước đây luôn ủng hộ đảng Cộng hòa thì năm nay lại có vẻ nghiêng về phía Dân chủ.
Thực tế rất khó có thể đánh giá ngay được hiệu quả của các hoạt động vận động cử tri của các ứng cử viên vì thứ nhất tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm trong năm nay rất cao, điều đó có nghĩa nhiều người đã có lựa chọn cuối cùng của mình và do đó các hoạt động vận động sẽ không có nhiều tác động. Thứ hai, đó là để đánh giá được sự ủng hộ của cử tri tại các bang này đối với các ứng cử viên thì chỉ có thể qua các cuộc khảo sát. Tới nay thì các cuộc khảo sát vẫn cho thấy ông Biden đang dẫn trước ông Donald Trump tuy nhiên khoảng cách thì đã rút ngắn hơn trước. Mặc dù vậy thì các cuộc khảo sát cũng phần nào chỉ mang tính tham khảo và không thể hoàn toàn dựa vào đó để đưa ra nhận định về kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử vì chúng ta đã từng chứng kiến sự kiện năm 2016 khi kết quả trái ngược hoàn toàn so với các dự đoán và khảo sát.
Vấn đề lo ngại nhất của bên đảng Dân Chủ là cử tri ít đi bỏ phiếu, điều đã khiến bà Clinton thất bại năm 2016 và đó là một kinh nghiệm cho thấy là không nên quá lạc quan, không nên quá dựa vào kết quả các cuộc thăm dò dư luận. Bên phía đảng Cộng Hòa cũng như vậy và do đó hai bên đều có sự dè dặt và có sự đắn đo hết sức cụ thể ở chỗ, phải đi vận động, phải nắm được khối cử tri của mình. Vì vậy, trong những ngày sau cùng trước bầu cử, ông Joe Biden và ông Donald Trump đều tập trung đi đến các bang chiến địa, có nơi họ đi tới hai hoặc ba địa điểm, trong một ngày. Đây là chuyện không hề có trong năm 2016.
Bất lợi đối với Tổng thống Donald Trump
Việc bỏ phiếu qua bưu điện là một vấn đề khá gây tranh cãi trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 mặc dù đây không phải là một quy định mới khi trong năm 2016 đã có tới 33 triệu người làm điều này. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên việc bỏ phiếu qua bưu điện được cho là một giải pháp hợp lý và an toàn cho cử tri Mỹ.
Tuy nhiên, đây là một vấn đề gây tranh cãi giữa hai đảng khi đảng Cộng hòa phản đối gay gắt còn đảng Dân chủ thì khuyến khích. Điều mà ông Donald Trump lo ngại là cử trị ồ ạt bỏ phiếu qua bưu điện và ông cho rằng điều đó sẽ khuyến khích gian lận, tuy nhiên trên thực tế thì gian lận trong bầu cử là một hiện tượng hãn hữu ở Mỹ. Ông Trump cáo buộc đảng Dân chủ tìm cách “đánh cắp” cuộc bầu cử bằng việc thúc đẩy bỏ phiếu qua thư. Trong khi đó, đảng Dân chủ nói rằng, ông Trump và đảng Cộng hòa đang tìm cách trấn áp phiếu bầu để có lợi thế.
Trong mùa bầu cử năm nay, sộ lượng cử tri bỏ phiếu qua bưu điện được dự đoán khoảng 80 triệu, gấp đôi năm 2016 và nhiều hơn bất kỳ năm bầu cử nào khác trong lịch sử. Tuy nhiên mối lo ngại hiện giờ là việc vận chuyển phiếu bầu vì số phiếu bầu quá lớn có thể bị trì hoãn làm chậm trễ mọi thứ.
Quy trình đếm phiếu thường bắt đầu sau khi các trạm bỏ phiếu đóng cửa. Sau khi đếm xong phiếu bầu trực tiếp, các nhân viên bầu cử mới bắt đầu đếm các lá phiếu bầu qua đường bưu điện. Việc kiểm phiếu qua bưu điện kéo dài lâu hơn vì mỗi phiếu bầu phải có chữ ký khớp với chữ ký riêng trên phiếu đã đăng ký. Với số lượng phiếu bầu năm nay dự kiến tăng gấp đôi, chỉ riêng quy trình đó sẽ kéo dài thêm thời gian cho quá trình kiểm phiếu.
Các chuyên gia về bầu cử Mỹ cho rằng, nếu như trước đây bỏ phiếu qua thư phổ biến hơn trong giới cử tri lớn tuổi và thường nghiêng về đảng Cộng hòa, thì ngày nay xu hướng đó đã chuyển sang nghiêng về đảng Dân chủ. Do đó, có lý do để tin rằng các phiếu bầu qua bưu điện được kiểm sau đó sẽ có lợi hơn cho ông Biden và đó chính là vấn đề mà ông Trump lo ngại.
Ngoài ra, cá nhân ông Trump cũng nhận thấy ông có nhiều bất lợi trong cuộc bầu cử năm nay khi dịch bệnh Covid-19 đã xóa bỏ các thành quả về kinh tế và việc làm từ đầu nhiệm kỳ của ông, khiến gia tăng khả năng ông bị ứng cử viên Joe Biden đánh bại, chính vì vậy, việc chỉ trích bỏ phiếu qua bưu điện chính là lý do để ông Trump không chấp nhận thất bại, ngay cả khi kết quả kiểm phiếu của đêm bầu cử cho thấy ông bị tụt lại phía sau./.
Link nguồn: https://vov.vn/the-gioi/chang-ve-dich-trong-cuoc-dua-gianh-ghe-tong-thong-my-814650.vov
Diễn biến khó đoán định cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020
Việc ông Trump bất ngờ rút ngắn cách biệt với đối thủ Joe Biden trong bối cảnh ngày bầu cử Tổng thống Mỹ gần kề đang khiến cuộc đua vào Nhà Trắng đang ngày càng trở nên khó đoán định.