Chính sách của Mỹ về tị nạn thay đổi ra sao trong năm qua?
Khi Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kirstjen Nielsen mới đây thông báo chính sách mới để giữ cho những người xin tị nạn ở Mexico trong khi họ đợi phán quyết từ tòa án – đó là biện pháp mới nhất trong một loạt chính sách của chính quyền Trump ảnh hưởng đến quyền tị nạn trong năm qua.
21:30 25/01/2019
Theo những quy định được đưa ra trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn vào năm 1951 được Mỹ thông qua, những người nộp hồ sơ tị nạn phải đáp ứng ba điều kiện: chứng tỏ rằng họ có ‘nỗi sợ hợp lý’ về việc bị ngược đãi ở quê nhà; lo sợ bị ngược đãi vì lý do sắc tộc, tôn giáo, quốc tịch, quan điểm chính trị hay là nằm trong một giai tầng xã hội nhất định, và phải chứng tỏ rằng chính quyền ở quê nhà của họ hoặc là có sự ngược đãi hoặc là không thể kiểm soát được nó.
Hồi năm 2018, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra ít nhất bảy chính sách ảnh hưởng đến việc xin tị nạn. Những người cổ súy cho quyền của di dân nói rằng những chính sách này là nỗ lực để ngăn cản di dân đến Mỹ.
Những tiêu chuẩn mới để chứng minh ‘nỗi sợ’
Khi các di dân băng qua biên giới đến Mỹ dù là hợp pháp hay bất hợp pháp và nộp đơn xin tị nạn, trước hết họ được các quan chức của cơ quan Dịch vụ Di trú và Quốc tịch Mỹ phỏng vấn về nỗi sợ của họ để xem có đáng tin không. Người nào qua được buổi phỏng vấn sẽ được chuyển đến tòa án di dân trong bước tiếp theo của quá trình.
Vào đầu năm 2018, chính quyền Mỹ đã đưa ra những hướng dẫn mới và mang tính khắt khe hơn để xác định tiêu chuẩn qua được cuộc phỏng vấn về nỗi sợ xác tín. Theo tin tức báo chí, cách diễn giải ‘nỗi sợ xác tín’ đã được điều chỉnh lại để bao gồm ‘tác phong, thái độ và sự hồi đáp’ để xem xét họ có đáng tin hay không.
Các luật sư về di trú nói với VOA rằng sang chấn tâm lý, khác biệt về văn hóa, bất đồng ngôn ngữ và hành trình dài từ Trung Mỹ đến Hoa Kỳ thường ảnh hưởng đến hành vi của người xin tị nạn. Hướng dẫn mới này nói rằng những yếu tố này không được xem là quan trọng khi xác định mức độ đáng tin, do đó cho phép các quan chức xét duyệt tị nạn xem những dấu hiệu căng thẳng là nguyên nhân để nghi ngờ về sự thành thật của ứng viên.
“Bằng cách nâng cao điều kiện ngay từ giai đoạn đầu, cơ quan Dịch vụ Di trú và Quốc tịch Mỹ đã tạo ra nguy cơ loại bỏ những người có lời khai thành thật nhưng không có khả năng hay sự tinh tế để trình bày trước quan chức tị nạn vào lúc đầu,” Hệ thống Di trú Hợp pháp Công giáo, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ pháp lý cho di dân, cho biết trên trang web của họ.
‘Không khoan nhượng’
Vào ngày 6/4, chính quyền Trump thông báo sẽ thực thi chính sách ‘không khoan nhượng’ tại biên giới Mỹ-Mexico. Hướng dẫn mới yêu cầu các công tố viên liên bang truy tố hình sự tất cả các di dân trưởng thành vào Mỹ bất hợp pháp, quy định rằng những người này phải bị giam giữ trong suốt quá trình họ làm hồ sơ xin tị nạn.
Trước khi có chính sách ‘không khoan nhượng’ này, khi di dân vào Mỹ không thông qua cửa khẩu, họ đối mặt với tội tiểu hình.
Chính sách đã dẫn đến sự chia cắt con cái với cha mẹ do trẻ em không thể nào bị cầm tù trong thời gian lâu.
Sự phẫn nộ của công chúng khiến Tổng thống Donald Trump phải ký một sắc lệnh hành pháp hồi tháng Sáu để rút lại chính sách này.
Theo Bộ An ninh Nội địa, từ 5/5 cho đến 9/6, hơn 2.500 trẻ em đã bị chia cắt với cha mẹ hay người bảo trợ của các em ở biên giới.
Sau khi rút lại chính sách ‘không khoan nhượng’, chính quyền Trump đã xin tòa án cho phép giam giữ trẻ em cùng với cha mẹ vô thời hạn nhưng không được.
Bạo hành gia đình
Trong một động thái hiếm hoi, cựu Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đã can thiệp vào trường hợp xin tị nạn của một phụ nữ El Salvador vốn đã chứng minh rằng bà đã bị chồng bạo hành trong thời gian dài. Ông Sessions đã đảo ngược một phán quyết của Tòa phúc thẩm di trú, nơi đã đồng ý để cho bà được cấp quy chế tị nạn. Phán quyết này cũng được áp dụng cho các nạn nhân của bạo lực băng đảng muốn sang Mỹ xin tị nạn.
Vào tháng 12, thẩm phán liên bang Emmet Sullivan đã ra phán quyết vĩnh viễn về sắc lệnh của ông Jeff Sessions rằng nó vi phạm luật di trú của Mỹ và ‘không có cơ sở pháp lý để ra lệnh cấm hoàn toàn, có hiệu lực’.
Sau phán quyết này, Nhà Trắng ra thông cáo viết:
“Phán quyết hôm nay là bằng chứng mới nhất của sự cổ súy của ngành tư pháp vốn khích lệ di dân bất chấp hiểm nguy, khiến cho các tổ chức tội phạm lan truyền sự hỗn loạn ở tây bán cầu trở nên mạnh bạo hơn và làm tổn hại luật pháp, biên giới, Hiến pháp và chủ quyền của Mỹ,” phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders viết.
Bị đuổi về
Cũng trong tháng Sáu đã xuất hiện tin rằng các nhân viên thuộcLực lượng Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) đã có hành động phi pháp là đuổi người xin tị nạn ở biên giới Mỹ-Mexico quay về. Mặc dù giới chức di trú gọi việc người xin tị nạn bị đuổi về ở cửa khẩu là ‘tin đồn thất thiệt’, 13 di dân đã kiện chính phủ vì lý do này hồi tháng 7 năm 2017.
Các phiên tòa nhanh hơn
Hồi tháng Ba, ông Jeff Sessions đã vô hiệu hóa một phán quyết năm 2014 của Hội đồng Kháng cáo Di trú thuộc Bộ Tư pháp theo đó bãi bỏ yêu cầu những người xin tị nạn cần phải có một buổi trình bày đầy đủ trước một thẩm phán di trú. Điều này có nghĩa là các thẩm phán di trú giờ đây được phép bác bỏ các đơn kháng nghị xin tị nạn mà không cần lắng nghe nguyên đơn nếu như tại buổi xem xét ban đầu các nguyên đơn đã có dấu hiệu bị xem là lừa đảo hay không có khả năng được thông qua.
Ông cũng ra lệnh đặt chỉ tiêu về số trường hợp mà mỗi thẩm phán di trú cần phải hoàn thành. Đồng thời, số lượng thẩm phán di trú mới được tuyển cũng gia tăng nhanh chóng.
Tại một buổi lễ chào đón 44 tân thẩm phán di trú vừa tuyên thệ hồi tháng 9, ông Sessions đã yêu cầu họ thực thi chức trách theo mệnh lệnh.
“Những quyết định này sẽ giúp quý vị làm việc với sự rõ ràng hơn, giúp quý vị ra phán quyết nhất quán và công bằng. Và điều quan trọng hơn bao giờ hết là quý vị chỉ cần làm như vậy,” ông nói.
TRAC, cơ quan theo dõi số liệu về di trú cho biết năm tài chính 2018 đã phá kỷ lục về số lượng phán quyết cấp hay từ chối quy chế tị nạn do các thẩm phán di trú đưa ra.
Số lượng các vụ việc bị từ chối tăng nhanh hơn số vụ được đồng ý. Khoảng 65% hồ sơ xin tị nạn bị bác bỏ. TRAC đưa tin rằng năm 2018 là năm thứ sáu liên tiếp tỷ lệ hồ sơ bị bác tăng lên. Sáu năm trước, tỷ lệ bị bác bỏ là 42%.
Mặc dù cuối cùng cũng bình ổn, tỷ lệ hồ sơ bị bác một lần nữa lại tăng lên sau khi ông Sessions hạn chế những cơ sở mà các thẩm phán di trú dựa vào đó để cấp quy chế tị nạn.
Xâm nhập bất hợp pháp
Chính quyền Trump đã ra một sắc lệnh hôm 9/11 để hạn chế việc tị nạn ở biên giới Mỹ-Mexico với việc yêu cầu bất cứ ai vào Mỹ bất hợp pháp thì không đủ điều kiện để xin tị nạn.
Liên đoàn các Quyền Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) kiện. Vào ngày 30/11, thẩm phán liên bang Jon Tigar đã không cho chính quyền Trump thực thi lệnh cấm này.
Tổng thống ‘không thể viết lại luật di trú để áp đặt một điều kiện mà Quốc hội đã công khai cấm,’ thẩm phán Tigar nói.
Sau đó, phán quyết này đã được các tòa phúc thẩm và Tối cao Pháp viện giữ nguyên.
‘Đo chiều dài’
Vụ kiện hồi tháng 7 về việc đuổi người tị nạn ở biên giới quay về nguyên quán đã được điều chỉnh hồi đầu tháng 12 để bao gồm một cách làm khác là hạn chế việc xin tị nạn. Được những người cổ súy di dân gọi là ‘đo lường’ và bà Nielsen, Bộ trưởng An ninh Nội địa, gọi là ‘xếp hàng’, biện pháp này giới hạn số lượng người xin tị nạn được xử lý tại các cửa khẩu ở biên giới Mỹ-Mexico, để dồn một số lượng lớn những trường hợp chưa được giải quyết bên phía Mexico.
Những người hy vọng xin tị nạn ở Mỹ trong danh sách chờ giờ đây đã lên đến hàng ngàn người. Các luật sư nói rằng điều này đã gây ra khủng hoảng nhân đạo ở biên giới. Một số di dân nói với VOA rằng họ đã chờ đợi hàng tuần.
Tại một phiên điều trần ở Quốc hội hồi cuối năm ngoái, bà Nielsen đã biện hộ cho biện pháp này.
“Đó là do không thể làm xuể. Không thể làm xuể,” bà nhấn mạnh.
Phát ngôn nhân CBP nói rằng ‘hết lúc này đến lúc khác, chúng tôi phải xử lý những hàng dài và giải quyết những hồ sơ dựa trên khả năng đáp ứng.’
Hợp tác với Mexico
Vào cuối năm ngoái, Mỹ và Mexico đã quyết định cùng hợp tác mà theo đó những người xin tị nạn vẫn ở trên lãnh thổ Mexico trong khi hồ sơ của họ được thụ lý ở Mỹ.
Các quan chức chính quyền Trump cho biết chính phủ Mexico đã tự nguyện đồng ý việc này. Những thay đổi nào, cho dù khi nào có hiệu lực đi nữa, cũng sẽ ảnh hưởng đến những người vượt biên hợp pháp và bất hợp pháp. Các chuyên gia tị nạn cho biết chính sách mới nhất này sẽ bị đưa ra tòa.
Tin tức trên truyền thông đưa cho thấy cuộc khủng hoảng ngày càng tăng tại các cửa khẩu ở biên giới với Mexico nơi mà các khu tạm trú đã quá tải.
Trong khi đó có hai trẻ em thiệt mạng khi bị giam giữ trong cơ sở của biên phòng sau khi vào Mỹ bất hợp pháp.
“Hệ thống đã bị quá tải, và chúng ta phải làm việc cùng nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo này và bảo vệ những người dễ bị tổn thương,” bà Nielsen cho biết trong một thông cáo được công bố hôm 29/12 sau khi bà có chuyến đi đến El Paso, Texas, một trong những cửa khẩu vượt biên tấp nập nhất ở Mỹ.
Biển người đón Việt kiều về quê ăn Tết ở sân bay Tân Sơn Nhất
Dù còn gần 2 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán 2019 nhưng ngày 22/1, đã có hàng nghìn người chen chân đứng chật kín khu vực sảnh chờ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để đón người thân học tập và lao động ở nước ngoài trở về.