Đạo luật cải tổ y tế có thể gây hại cho giáo dục ‘trẻ em đặc biệt’

Bà Alicia Buono có đứa con trai tên Connor, 10 tuổi, bị mắc chứng tự kỷ và bà chỉ mong con mình có thể sống tự lập sau này.

23:25 28/05/2017

Giáo dục và chăm sóc trẻ tự kỷ là công việc hết sức khó khăn và tốn kém. (Hình: Getty Images)

Do vậy, để chuẩn bị cho Connor có đủ khả năng hội nhập vào xã hội khi đến tuổi trưởng thành, bà Buono cùng với học khu Contoocook Valley ở vùng Nam New Hampshire, sắp xếp cho Connor có các buổi học với các chuyên gia đặc biệt về nhiều lãnh vực, như về cách nói, cách học và cách hoạt động để không bị tổn thương cơ thể.

Tuy nhiên, bà Buono lo ngại rằng con trai bà, cũng như hàng triệu trẻ nhỏ ở Mỹ khác hiện đang có nhu cầu giáo dục đặc biệt, sẽ bị mất những trợ giúp này nếu dự luật cải cách y tế hiện nay của quốc hội được thông qua.

Trong dự luật được Hạ Viện thông qua đầu tháng này, có việc cắt $880 tỷ cho Medicaid, trong số này có từ $4 đến $5 tỷ là dành cho các trường tiểu học và trung học để chi trả cho các dịch vụ giáo dục đặc biệt cũng như phương tiện giảng dạy.

“Nếu không có ngân sách, thì ai sẽ bị thiệt thòi?”, bà Buono, một thành viên của tổ chức ABLE NH, một nhóm ở tiểu bang New Hampshire tranh đấu cho người khuyết tật, hỏi trong cuộc phỏng vấn.

“Mục tiêu cuối cùng của tôi là muốn Connor có thể sống độc lập khi trưởng thành… Càng đầu tư nhiều vào việc học ở trường thì càng giúp con tôi có nhiều cơ hội sống độc lập hơn sau này.”

Phần lớn các chỉ trích hiện nay về đề nghị cải cách y tế đang nhắm vào việc có thể mất hay giảm bớt bảo hiểm y tế cho hàng triệu người lớn ở Mỹ cùng gia đình họ. Nhưng cũng có một khía cạnh khác mà ít người biết tới, đó là mức độ mà Medicaid, chương trình y tế liên bang dành cho người nghèo, tài trợ cho việc giáo dục đặc biệt trong các trường tiểu học và trung học.

Kể từ năm 1988 tới nay, Medicaid giúp chi trả cho giáo dục đặc biệt, vì Quốc Hội Mỹ không bao giờ thực hiện điều hứa hẹn là trả 40% cho phí tổn trung bình để giáo dục trẻ nhỏ khuyết tật. Theo cuộc nghiên cứu của tổ chức National Education Association, Quốc Hội chỉ trả vào khoảng 16% chi phí này.

Kể từ khi có tài trợ từ Medicaid, hệ thống giáo dục đặc biệt ở Mỹ thấy có sự cải thiện rõ ràng.

Số phần trăm trẻ khuyết tật tốt nghiệp trung học tăng từ 41% năm 1993 lên 65% năm 2013, theo Nationnal School Boards Association.

Nhưng các nhà giáo dục, các giới chức y tế trường học, cũng như các tổ chức tranh đấu cho quyền lợi học sinh khuyết tật, cảnh cáo rằng tiến triển này sẽ bị mất đi nếu theo các đề nghị mới là chuyển chi phí này cho cấp tiểu bang và thành phố. Nhất là ở các học khu nghèo hay ở các nơi không thể tăng thuế hay rút bớt tiền từ quỹ giáo dục chung.

“Những học khu nghèo nhất chính là những nơi dễ bị ảnh hưởng nhất,” theo lời Sasha Pudelski thuộc hiệp hội các hiệu trưởng toàn quốc (AASA).

Sự trợ giúp cho việc học tập của trẻ khuyết tật là điều được nêu ra rõ ràng trong đạo luật giáo dục trẻ khuyết tật (IDEA), thông qua năm 1975, theo đó đòi hỏi các tiểu bang phải cung cấp giáo dục cộng đồng miễn phí và hợp lý cho trẻ khuyết tật.

Nếu dự luật cải tổ y tế như hiện nay được thông qua, các học khu vẫn sẽ phải tiếp tục tuân hành đòi hỏi của IDEA, nhưng sẽ có ít tiền hơn từ Medicaid.

Và nếu việc chi tiêu cho chương trình này do tiểu bang điều hành thì AASA lo ngại rằng các tiểu bang sẽ không chịu trả.

Một cuộc nghiên cứu thực hiện năm 2016 cho thấy 31 tiểu bang chi ít hơn cho học sinh trong niên khóa 2014 so với năm 2008, dù rằng nay có thêm mấy triệu học sinh so với năm 2008.

Tags:
Xuất khẩu giáo dục Mỹ rơi vào thoái trào

Xuất khẩu giáo dục Mỹ rơi vào thoái trào

Các trường đại học, cao đẳng Mỹ ghi nhận số lượng sinh viên quốc tế đang giảm xuống. Đây là xu hướng đáng lo ngại có thể mở đầu một thời kì thoái trào mới của ngành xuất khẩu GD Mỹ sau hơn một thập kỉ phục hồi từ thời kì thoái trào sau vụ khủng bố 11/9/2001.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất