Giới viết sử bối rối với nhiệm kỳ Trump

Bốn năm nhiều hỗn loạn trong nhiệm kỳ của Trump đã khiến các sử gia Mỹ gặp khó khăn khi đánh giá về thời gian ông cầm quyền.

04:00 24/03/2021

Từ ngày nhậm chức, Donald Trump đã đặt các sử gia trong tình trạng cảnh giác cao, khi họ phải dựa vào các trang tin tức, các bài bình luận và mạng xã hội để có thể giải thích những hành động, lời nói không theo chuẩn mực của ông. Nhưng tuần trước, nhóm 17 sử gia đã cùng thảo luận về dự án viết về chính quyền Trump.

Trước khi nhóm họp qua Zoom, các thành viên đã trình các bản thảo về nhiều chủ đề khác nhau, như nhập cư, chính sách đối ngoại, chủng tộc, chính trị đảng phái, truyền thông, truyền bá thông tin sai lệch và luận tội. Sau khi chỉnh sửa và biên tập, tác phẩm sẽ được Nhà xuất bản Đại học Princeton xuất bản năm sau với tên gọi "Nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump: Đánh giá lịch sử đầu tiên".

Đó có vẻ là một tiêu đề khô khan và chưa phù hợp cho bản tổng kết bốn năm của Trump, kết thúc bằng cuộc bạo loạn gây chấn động ở Đồi Capitol, theo Jennifer Schuessler, biên tập viên của NYTimes.

Cựu tổng thống Donald Trump thăm tường biên giới ở texas hồi tháng 1. Ảnh: NYTimes.
Cựu tổng thống Donald Trump thăm tường biên giới ở texas hồi tháng 1. Ảnh: NYTimes.

Trong cuộc họp, các sử gia đã tranh luận về nhiều câu hỏi lớn. Liệu chiến thắng (sau đó là thất bại) của Trump có phải là một cuộc "thay đổi chính trị lớn" hay chỉ là "ngã rẽ sai lầm" của cử tri? Các phong trào xã hội từ dưới lên trên cùng giới lãnh đạo từ trên xuống có vai trò như thế nào trong quá trình này? Hay tính cách của Trump quan trọng tới mức nào?

Jeffrey Engel, giám đốc sáng lập Trung tâm Lịch sử Tổng thống tại Đại học Southern Methodist, lưu ý rằng trong giới sử gia nói chung và những người theo xu hướng tự do nói riêng, số người ca ngợi Trump là rất ít. Dù vậy, ông vẫn cảm thấy sửng sốt khi đọc những đánh giá thẳng thừng về Trump được các sử gia viết ra.

"Có những câu khiến tôi phải thốt lên 'Ôi Chúa ơi'", Engel, người viết chương về cách tiếp cận của Trump với liên minh toàn cầu, nói. "Nhưng sau đó tôi nói 'tôi nhất trí'. Việc chúng tôi có thể viết một cách chính xác mà vẫn thể hiện được sự bất bình của mình cho thấy bản chất chưa từng có tiền lệ của nhiệm kỳ Trump".

Bốn năm trước, một nhóm tương tự đã nhóm họp tại Princeton để chuẩn bị viết về nhiệm kỳ của cựu tổng thống Barack Obama. Cuộc thảo luận đó diễn ra vài ngày sau chiến thắng bất ngờ của Trump, khiến một số thành viên phải gấp rút xem xét lại những phân tích của họ về nhiệm kỳ của Obama.

Cuộc thảo luận trực tuyến năm nay là một lời nhắc nhở khác về những biến số của lịch sử. Nếu không phải vì phản ứng hỗn loạn của chính quyền với Covid-19, nhiều sử gia cho rằng Trump có thể đã chiến thắng dễ dàng trong cuộc bầu cử tháng 11/2020 và cuộc đánh giá này sẽ không diễn ra.

"Điều gì sẽ xảy ra nếu Trump thắng?", Michael Kazin, giáo sư Đại học Georgetown nói. "Tôi có lẽ đang cố gắng tổ chức những cuộc biểu tình thay vì nhóm họp qua Zoom?".

Một chủ đề xuyên suốt cuộc thảo luận là làm thế nào để tìm ra mạch chính cho câu chuyện trong bối cảnh bốn năm gần như hỗn loạn liên tục, trong đó có hai phiên luận tội, cũng như phân tích các chính sách thực tế và tác động từ những phát ngôn của Trump.

Một số học giả nhận định ngôn từ của Trump cũng có tác động mạnh như hành động. Jason Scott Smith, giáo sư tại Đại học New Mexico, cho rằng mảnh ghép không thể thiếu trong hồ sơ của Trump là bức tường biên giới.

Về bức tường này, ông tranh luận điều quan trọng không chỉ là đã xây được những gì. Smith nói bức tường đã hoàn thành 452 dặm (hơn 700 km), trong đó chỉ có 80 dặm được xây mới. "Các cam kết khoa trương của Trump về cơ sở hạ tầng trong khi chưa hoàn thành việc xây dựng cơ sở vật chất thực tế đã cho thấy sự thay đổi lớn về cơ chế pháp lý và năng lực chính sách của chính phủ liên bang", Smith viết.

Điều đó bao gồm các chính sách trục xuất và giam giữ hà khắc đối với người nhập cư không giấy tờ, theo sau là tác động tâm lý và biểu tượng của bức tường. "Có thể nó không nhiều khi xét về chiều dài, nhưng sự tàn nhẫn về mặt hình ảnh của bức tường thực sự lớn", ông nói trong cuộc thảo luận.

Merlin Chowkwanyun, sử gia tại Đại học Columbia, nói chương do Smith viết đã khiến ông "chú ý và cảm thấy có chút tức giận".

Bài đánh giá của Chowkwanyun về phản ứng với Covid-19 của Mỹ đã nêu lên cái mà ông gọi "vấn đề 60/40", trong đó Trump có thể bị đổ lỗi bao nhiêu vì tác động tàn khốc của đại dịch, so với phản ứng của các bang và địa phương.

Nhưng có lẽ việc đánh giá phản ứng Covid-19 của Trump thông qua lăng kính "hiệu quả và năng lực" thông thường sẽ không mang đến kết luận đầy đủ, theo Chowkwanyun.

gười ủng hộ Trump cố kéo đổ hàng rào an ninh của cảnh sát trước tòa quốc hội hôm 6/1. Ảnh: AP
Người ủng hộ Trump cố kéo đổ hàng rào an ninh của cảnh sát trước tòa quốc hội hôm 6/1. Ảnh: AP

Một số sử gia lưu ý rằng cách nhiệm kỳ của Trump làm thay đổi tính chính trị của các thể chế khác nhau, khiến mọi người đôi khi rẽ theo những hướng bất ngờ.

Beverly Gage, một sử gia tại Đại học Yale, người phụ trách chương về "Cách Trump nỗ lực làm suy yếu FBI và hủy hoại bộ máy hành chính", lưu ý tới những người như James B. Comey, cựu giám đốc FBI, đã thay đổi bất ngờ thành "người hùng tự do".

Bà dẫn một câu nói thường được nhiều người nhắc tới: "Chà, tôi đã dành cả đời căm ghét FBI, rồi đến một ngày lại hy vọng cơ quan này có thể cứu vãn nền cộng hòa?"

Cuộc thảo luận hai ngày đã nêu ra nhiều câu hỏi hơn đi tìm đáp án. Mae Ngai, giáo sư Đại học Columbia phụ trách chương về nhập cư trong cuốn sử về chính quyền Trump, nói rằng sự chia rẽ của nước Mỹ đã trở nên nghiêm trọng hơn khi đảng Cộng hòa tăng ảnh hưởng tại quốc hội dưới thời Trump.

"Họ không đại diện cho một nửa dân số", bà nói. "Sẽ có rất nhiều cuộc đấu tranh trong những năm tới để có một cái nhìn dân chủ hơn của . Tôi không nghĩ chương đó đã được viết".

"Điều quan trọng của một sử gia là chúng ta không phải dự đoán tương lai. Chúng ta chỉ cần đánh giá quá khứ", Kazin nói.

Tags:
Từ bỏ tất cả cuộc sống xa hoa ở Việt Nam tôi qua Mỹ

Từ bỏ tất cả cuộc sống xa hoa ở Việt Nam tôi qua Mỹ

Bỏ cuộc sống xa hoa ở Việt Nam, tôi lên đường sang Mỹ học thạc sĩ, mong đạt được giấc mơ Mỹ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất