Lần đầu làm bố của anh chồng tí hon

Đón con trai 2,6 kg từ tay bác sĩ, anh Mạnh mắt đỏ hoe khi nghe câu nói: "Con không tí hon như bố mẹ nhé".

10:30 27/10/2019

Hai tay nhẹ nhàng ấn đầu ngực vợ cho dòng sữa chảy ra, anh Nguyễn Văn Mạnh (43 tuổi) ở thôn Đan Thượng, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ trêu: "Đây đúng là mẹ bò sữa chính gốc". Vắt tay được khoảng 50ml sữa, anh quay sang hỏi vợ: "Có đau lắm không em. Thôi nằm xuống nghỉ ngơi, mọi việc anh làm cho".

Dứt lời, anh nhanh chóng chạy vào buồng bế cậu con trai mới được 10 ngày tuổi ra ngoài nhà. "Cu uống sữa nha, uống cho khỏe để cao lớn hơn bố mẹ nha". Nằm trên giường, chị Quàng Thị Hương (28 tuổi), vợ anh khúc khích cười.

Từ khi trong nhà có tiếng trẻ nhỏ, cuộc sống của anh Mạnh, chị Hương đảo lộn. Không có ông bà ở bên, hai anh chị, người cao 1m3, người cao 1m15 tất bật chăm con mọn. Anh Mạnh bảo, 43 tuổi mới được làm bố, cảm giác vừa vui vừa áp lực. "Có được đứa con ai chẳng thích, nhưng từ giờ tôi phải làm nhiều gấp 3 để nuôi cả nhà", anh nói. 

Sinh ra trong gia đình thuần nông, nhà Mạnh có 7 anh chị em thì 4 người có chiều cao giống anh: 1m3 đổ xuống. 19 tuổi, Mạnh thoát ly đi bán hàng ở Lào Cai. Anh yêu một cô gái, nhưng bị gia đình cô phản đối bởi nghi anh mắc chứng teo cơ, di truyền đến thế hệ sau. Đi khám, "bác sĩ chỉ bảo xương không phát triển, còn lại chẳng mắc bệnh gì", anh cho hay.

Chia tay người yêu, chàng trai lên Yên Bái học nghề mộc với sự tự ti ngày càng lớn. Ở xưởng mộc, ngoài giờ học, Mạnh còn xin học thêm, tránh để thời gian rảnh rỗi, đến nỗi ông chủ phải thốt lên "Mày học để chết à?".

Nhà hàng xóm cạnh xưởng mộc có một cậu con trai tâm thần, bỏ nhà đi, khó khăn lắm bố mẹ ngoài 70 tuổi mới tìm về được. Ngày anh này về nhà, ông chủ nói bâng quơ: "Ở đời có nhiều người thiệt thòi hơn mình gấp bội lần. Tay chân mình vẫn lành lặn, trí óc vẫn hoạt động bình thường đã là hạnh phúc hơn rất nhiều người rồi".

"Hôm ông chủ nói câu đó, tôi thấy đúng quá. Mình có tàn tật gì đâu, vẫn làm nuôi thân và nuôi gia đình được mà, tại sao lại phải mặc cảm", anh Mạnh cho hay.

Từ hôm đó, Mạnh mở lòng hơn, "thế nhưng mãi mà duyên chẳng tới".

Vợ chồng anh Mạnh - chị Hương bên con trai mới sinh. Ảnh: Hải Hiền.
Vợ chồng anh Mạnh - chị Hương bên con trai mới sinh. Ảnh: Hải Hiền.

Đầu năm 2018, sau 13 năm học và làm mộc ở Yên Bái, Mạnh về quê chăm sóc mẹ bị ốm. Anh lên hội nhóm dành cho người có vóc dáng nhỏ bé kết bạn. Một lần, anh nhìn thấy ảnh của cô gái dân tộc Thái tên Quàng Thị Hương, tay cầm 2 giỏ phong lan rừng. Mạnh xin kết bạn với dòng tin nhắn không dấu.

Một lúc sau, cô gái gọi lại khiến Mạnh ngạc nhiên. Phía đầu kia, cô gái giải thích mới được học chữ, anh viết không dấu, cô đọc không hiểu nên gọi lại để hỏi.

Qua vài tuần trò chuyện thấy hợp nhau, Hương mạnh dạn mời Mạnh lên nhà mình ở Sơn La chơi với lời nhắn nhủ: "Anh có thể lên bất cứ khi nào nếu không chê em quá nhỏ bé".

Tháng 8/2018, Mạnh quyết định giắt túi 2 triệu đồng, bắt xe lên Sơn La với tâm niệm "Nếu bị con nhà người ta lừa, cho leo cây thì vẫn có tiền để về nhà". Vừa xuống bến xe, anh nhận ngay ra Hương bởi cô mặc chiếc áo vàng theo nhắn nhủ trước đó. Hai người ngượng ngùng nhìn nhau, Mạnh lấy hết dũng khí nói với Hương "Thế không ôm hôn anh như cam kết à". Hương bật cười, xóa tan đi khoảng cách xa lạ ban đầu.

Chơi ở nhà Hương 2 ngày, Mạnh cùng cô lên đồi hái chè. Một lần khi đang cùng cô nấu bếp, anh chủ động nắm tay Hương rồi nói với cô "Nếu em có cảm tình với anh, thì mai xin phép bố mẹ xuống nhà anh ăn giỗ bố nhé". Hương gật đầu và bố mẹ cô cũng đồng ý.

Một đám cưới diễn ra sau đó không lâu.

Anh Mạnh thường làm việc nhà để vợ có thời gian chăm con. Ảnh: Hải Hiền.
Anh Mạnh thường làm việc nhà để vợ có thời gian chăm con. Ảnh: Hải Hiền.

3 tháng sau ngày cưới, que thử thai lên 2 vạch. Chưa tin vì nghĩ vợ quá bé nhỏ, Mạnh dẫn Hương đi mua vài que thử nữa. Khi bác sĩ khẳng định anh đã được làm bố, Mạnh cầm tay vợ vuốt vuốt "Vợ bé thế mà cũng ra trò đó nhỉ", nói rồi cười hề hề.

"Nhiều người cũng khuyên là vợ bé nhỏ thế kia, mang thai nguy cơ sảy thai rất cao. Vì thế suốt 9 tháng, tôi hầu như làm hết các công việc cho vợ. Đến ngay cả việc nghén, cũng nghén thay. Trong khi vợ khỏe mạnh phây phây thì chồng lại thường xuyên mệt mỏi, ăn cơm không ngon, suốt ngày nôn ọe", anh kể. 

Nhà không có điều kiện, nhưng cứ đến ngày khám định kỳ, Mạnh lại thuê taxi lên viện cách nhà hơn 20 km để vợ thăm khám. Vợ thèm gì anh cũng đạp xe đi mua, dù nhiều hôm mưa gió. Thương chồng một mình vất vả vừa làm thợ mộc vừa chăm vợ, chị Hương muốn làm ruộng thêm để lấy gạo ăn nhưng anh nhất quyết không cho: "Vợ phải khỏe thì con mới khỏe được chứ", anh nói. 

Ở tuần thứ 37, hai vợ chồng dắt díu nhau lên bệnh viện huyện Hạ Hòa để sinh con. Bác sĩ Ngô Văn Dương, người trực tiếp mổ bắt con cho biết: "Đây là trường hợp đầu tiên tôi mổ đẻ mà người mẹ lại nhỏ bé như vậy. May mắn là em bé khỏe mạnh và không tí hon như bố mẹ". 

Ở trong viện cả tuần vì con trai - bé Nguyễn Đăng Khoa - bị vàng da sinh lý, Mạnh lúc nào cũng tất tả bỉm sữa và cơm nước cho vợ. Các y tá, bác sĩ trong viện trêu, anh lại cười hề hề: "Không chăm vợ con mình thì ai chăm, phỏng?". 

"Từ ngày có con, hàng đêm tôi phải dậy 3-4 lần để vắt sữa cùng vợ vì bé chưa bú trực tiếp được. Nhà không có máy, đành vắt bằng tay. Có hôm cu cậu đói, vắt không kịp khóc toáng lên làm bố mẹ cuống cuồng, tia sữa bắn hết vào người bố", Mạnh chia sẻ.

Ngày nào ông bố 43 tuổi cũng ra vườn hái rau ngót 3 lần nấu cho vợ ăn. Món thịt giờ anh cũng đã biết nêm nếm nghệ sao cho vừa đủ, không quá nhiều hay quá ít như những ngày đầu. Mỗi khi đến bữa mà con khóc, anh lại nhường vợ ăn cơm trước, còn mình bế con, ru ngủ cho ngoan để vợ được bữa ăn ngon.

Trong căn nhà nằm sâu trong ngõ nhỏ, giữa trời nắng gắt, có người đàn ông tất bật giặt đống tã cho con và quần áo cho vợ. Phía trong bỗng có tiếng gọi: "Bố Mạnh ơi, cu ị thối". Người đàn ông đứng phắt dậy, tất tả chạy vào. Vừa chạy anh vừa thở dốc "Mệt với cu con quá".

Hải Hiền

Tags:
Cuộc sống trong 'nhà tù mạ vàng' của những cô gái lấy chồng giàu

Cuộc sống trong 'nhà tù mạ vàng' của những cô gái lấy chồng giàu

Dù có chồng là đại gia, họ không trả nổi một bữa tối, thậm chí một tách cà phê, và mỗi tháng phải ngửa tay xin tiền tiêu vặt.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất