Mẹ Việt tại Mỹ vượt qua khủng hoảng con còi xương, tăng 4kg sau 4 tháng nhờ phương pháp Easy
Sau 4 tháng được mẹ rèn ăn, ngủ, chơi có nề nếp, cậu bé còi xương lúc mới sinh, Mason Vi Hoàng, giờ đã là một bé trai bụ bẫm, bảnh bao.
23:29 08/08/2017
EASY là phương pháp áp dụng chu kì "Ăn - Chơi - Ngủ - Mẹ thư giãn" để rèn con sơ sinh trong những năm tháng đầu đời. Phương pháp này được rất nhiều mẹ ở các nước phương Tây áp dụng và thành công.
Chị Nguyễn Tiến Vi là một bà mẹ trẻ hiện đang sinh sống tại Mỹ không những áp dụng thành công EASY mà còn vô cùng xuất sắc giúp con trai Mason Vi Hoàng tăng từ 2,6 kg lúc mới chào đời cho đến thời điểm này đã được 6,2 kg (4 tháng 6 ngày tuổi).
Bé Mason Vi Hoàng lúc mới chào đời (trái) và thời điểm hiện tại (phải).
"Nuôi con theo nhu cầu nhưng phải quan sát để hiểu biết rõ nhu cầu của bé. Dù mình có đọc thật nhiều sách và hỏi kinh nghiệm của nhiều người nhưng bé của mình thì thật sự không giống những bé khác nên mình quan niệm rằng mỗi bé sẽ khác nhau, không bé nào rập khuôn một bé nào", chị Tiến Vi cho biết.
Dưới đây là những chia sẻ của chị (được tư vẫn từ chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ riêng của Mason Vi Hoàng) khi chị nuôi con theo phương pháp hiện đại EASY nhưng có sự chọn lọc:
Theo mình thấy, trung bình các bé tầm con mình (4 tháng), bú một ngày sẽ là từ 700-800 ml để có đủ chất dinh dưỡng phát triển. Nhưng buồn thay bé có ngày chỉ bú có 450ml, có một lần trong vòng 7 tiếng đồng hồ bé chỉ bú được có 60ml, bé khi sinh đã là một mình bé nhỏ nhắn (2,6 kg), nên mình rất quan tâm đến sự phát triển của con.
Hơn nữa, bé lại cực kì nhạy cảm, nếu sữa bé không thích, mặt dù bé rất đói, bé bú ít hoặc từ chối không bú luôn.
Sau khi kiểm tra cân nặng và sức khỏe tổng quát (như các kĩ năng nhìn chú ý, nghe phản ứng với âm thanh, khả năng vận động như lật, lẫy) chuyên gia dinh dưỡng của bé đã nói: bé nằm trong 5% các bé có cân nặng hơi thấp (cứ 100 bé là có 5 bé như con mình), nhưng xét về tổng quát, bé lanh lợi, nắm bắt tốt, lật lẫy, cổ cũng đã cứng nên sẽ theo dõi thêm cân nặng vào tháng sau và bảo mình đừng quá lo lắng.
Mình có hỏi về việc bổ sung các thuốc vitamin cho bé nhưng vì do bên mình khí hậu thiếu nắng và con hoàn toàn khỏe mạnh nên chỉ uống vitamin D thôi. Vì bé còn nhỏ, nếu bé hoàn toàn ổn thì không nên bổ sung thêm một chất gì không cần thiết. Đó được gọi là lạm dụng thuốc, khiến cơ thể không có khả năng tạo miễn dịch cho chính mình.
Nếu theo phương pháp EASY cho bé ngủ 2 tiếng, thức 2 tiếng thì bé nhà mình không làm được, khi ép bé như thế bé rất cáu. Nhưng bé nhà mình thường ngủ giấc ngắn trước buổi trưa và ngủ giấc dài 3,4 tiếng sau buổi trưa, đến tối thì bé vẫn có giấc ngủ tốt.
Còn theo sách thường thì không cho bé ngủ quá 3,4 tiếng tối bé sẽ không chịu ngủ đúng giờ hoặc dậy chơi vào ban đêm. Bé nhà mình nếu không ngủ được giấc dài ban trưa thì bé sẽ quấy vì ngủ không đủ giấc. Nên quan điểm của mình là lắng nghe tiếng con trẻ riêng và chọn lọc các phương pháp riêng phù hợp với bé, không áp đặt, không quá sách vở, nhưng kết hợp.
Về luyện con ngủ và ngủ qua đêm không bú, khi mình nói đến CIO (Cry it out), bác sĩ khuyên hãy làm những gì mình đang làm với con, trộm vía con khó ngủ thật nhưng nếu như mình bồng bé lên, vỗ mông, nhanh là 1 phút chậm thì 10 phút, bé sẽ ngủ và mình đặt xuống.
Bé từng có giai đoạn, mình đẩy võng cho bé với tốc độ mạnh thì bé mới ngủ nhưng thời gian đó đã qua rồi. Các bé sẽ lớn, rồi đâu lại vào đấy thôi, nếp ăn, nếp ngủ rồi cũng sẽ thay đổi. Rồi sẽ có một ngày chúng cũng không cần sự hiện diện kè kè của chúng ta nữa.
Mình có tập EASY cho con một lần, không sợ tiếng khóc của con nhưng mình sợ nỗi buồn, sự khủng hoảng của con. Con khóc dữ dội lắm nhưng khi mình vừa ẵm bé lên, thì mình cười tươi lại liền, mình thương quá nên thôi ru con trên tay khoảng mấy phút rồi con ngủ, nhưng cứ tầm 5-10 phút bạn lại giật mình, khóc nức nức trong giấc ngủ, cứ sợ bạn bị bỏ như lúc nãy. Vì thế mình bảo chồng đợi con đến 6 tháng, nếu như bé vẫn không cải thiện thì mình sẽ luyện dần với con.
Khi mình nói đến việc bỏ bột vào sữa cho con bú đêm để luyện con ngủ xuyên đêm, hay việc cho con bú nước (thông tin mình kiếm trên mạng) để bé từ bỏ việc bú đêm, thì chuyên gia dinh dưỡng nói với mình rằng nước không đem lại calories cho bé, việc bé bú đêm là theo nhu cầu của từng bé khác nhau. Chuyên gia muốn khi bé được ăn bột thì sẽ được ăn bằng muỗng, vì nó sẽ cho bé kĩ năng ăn bằng muỗng, thêm vào đó nếu cho bé uống qua sữa bé có thể bị sặc, bị làm nghẹt không thở được.
Trong phương pháp luyện EASY, mình đã và vẫn theo phương pháp cho con thời khoá biểu ăn chơi ngủ, nhưng có những ngày bé bú lắc nhắc, lúc đầu mình rất bực nhưng về sau khi mình đặt mình vào để thấu hiểu và thông cảm cho con.
Con không phải rô-bốt con không thể đúng mọi thứ một cách hoàn hảo ngày bảo cũng như ngày ấy. Chúng ta cũng có những lúc trở trời không muốn ăn uống gì vì mệt vì không ngon miệng. Con cũng vậy, khi con không bú, mình không ép, mình xem bé có sốt không, có đau bụng, khó tiêu hay không, rồi mình sẽ quay lại 15 phút sau xem bé đã chịu bú chưa, hay con cần đi ngủ hơn là việc ăn. Mình linh động theo nhu cầu của con.
Khi con khóc, mình không ẵm bế con lên liền, mình để cho con khóc và quan sát, để học được dấu hiệu con cần gì hay con đau chỗ nào, hoặc đó là purple Cry (khóc không lí do, hoặc khi bé khó ở ở tuần wonder week).
Những gì mình mong nhất là con khỏe mạnh, phát triển đủ toàn diện, thay vì thời gian ép con ăn thêm để bằng bạn bằng bè, thì mình đọc sách, nói chuyện, chơi với con, dạy cho con những điều mới mẻ. Vì con mau lớn lắm, thời gian lại là điều vô cùng quan trọng, nên mình rất quý những giây phút ở cùng con mặc dù đôi khi rất mệt mỏi.
Mình cũng dạy con rằng, mẹ không phải là siêu nhân, nên mẹ cũng sẽ có những lúc mệt mỏi, vì thế cả hai mẹ con cùng phải cố gắng trong hành trình dài đã và đang trải qua.
Chúc tất cả các mẹ đang nuôi con nhỏ, các mẹ đang trong hoàn cảnh như mình những điều tốt đẹp nhất!
Mẹ Việt nuôi con ở châu Âu: Tôi phải học từ con mình
Một bà mẹ gốc Á nuôi con ở châu Âu như tôi phải tiếp nhận nhiều khác biệt về lối sống, văn hóa và những thứ khác. Và tôi học từ chính con mình.