Ngụ ý trao quyền tối cao của tổng thống Mỹ cho người ngoài: Ông Trump ưu ái đồng minh tới mức "quá đà"?

Không ai có thể hiểu rõ được ý định của ông Trump, nhưng cách tổng thống Mỹ thể hiện quan điểm lại gây ra những bất đồng ngay trong nội bộ nước Mỹ.

11:00 18/09/2019

Lời đe dọa của ông Trump

Sau vụ cơ sở lọc dầu của Ả Rập Saudi bị tấn công vào cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng Mỹ đã "khóa mục tiêu và lên đạn", một cụm từ cho thấy ông Trump đã sẵn sàng tuyên chiến. Nhưng sau đó tổng thống Mỹ lại nói sẽ đợi Ả Rập Saudi "đưa ra thời điểm và điều kiện để tiến hành".

Theo New York Times, thông điệp ông Trump viết trên Twitter đã cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của ông Trump đối với hoàng gia Ả Rập Saudi. Rất khó để tưởng tượng ông Trump cho phép một đồng minh NATO, hoặc một đồng minh châu Âu có quyền quyết định Mỹ sẽ phản ứng như thế nào. Tuy nhiên, đối với ông Trump, Ả Rập Saudi luôn luôn là một trường hợp đặc biệt.

Có triển khai quân sự hay không, triển khai như thế nào là một trong những quyết định quan trọng nhất đối với mỗi vị tổng thống Mỹ. Ngoài ra, quyết định như vậy có thể ảnh hưởng tới cả thế giới. Tuy nhiên, bình luận của ông Trump đem lại cảm giác rằng dường như ông đang đặt quyết định ấy vào tay người khác.

Chưa kể, quốc gia mà ông Trump phụ thuộc vào lại là Ả Rập Saudi - một đồng minh từng gặp chỉ trích gay gắt của cộng đồng quốc tế sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại và phân xác. Có thể thấy, vương quốc này đã "mua được" sự ủng hộ của Mỹ.

Ngụ ý trao quyền tối cao của tổng thống Mỹ cho người ngoài: Ông Trump ưu ái đồng minh tới mức quá đà? - Ảnh 1.

Bức ảnh vệ tinh ghi lại khu vực bị tấn công ở Abqaig, Ả Rập Saudi. Ảnh: AFP/Getty Images

Tom Malinowski, nghị sĩ đảng Dân chủ và là cựu trợ lí Ngoại trưởng Mỹ, nhận định: "Điều khiến tôi kinh ngạc không chỉ bởi vì sự sai lầm rõ ràng khi cho phép Ả Rập Saudi kiểm soát chính sách đối ngoại của chúng ta, mà còn ở việc tổng thống dường như không nhận ra rằng ông ấy trở nên nhu nhược như thế nào khi nói như vậy".

"Việc tấn công cơ sở lọc dầu là một vụ việc nghiêm trọng và có ảnh hưởng nghiêm trọng hơn cả những lợi ích đơn thuần của Ả Rập Saudi. Nhưng dù làm gì đi chăng nữa, chúng ta cần phải làm những tốt nhất cho chúng ta và phải thấy rằng Ả Rập Saudi được thiên vị một cách rõ ràng."

Hôm qua (16/9), trả lời phóng viên, ông Trump nói rằng ông không "hứa hẹn" sẽ bảo vệ Ả Rập Saudi và ông "sẽ ngồi đối thoại với Saudi và giải quyết mọi chuyện". Tuy nhiên ông Trump vẫn tỏ ra cẩn trọng, nói rằng sẽ không vội vã triển khai quân sự.

Khi được hỏi về việc liệu có phải Iran đứng đằng sau cuộc tấn công, ông Trump nói: "Mọi chuyện có vẻ như vậy. Chúng tôi đang kiểm tra."

Ông Trump cảnh báo rằng Mỹ có những năng lực quân sự đáng sợ và đã chuẩn bị cho chiến tranh nếu cần thiết.

"Tuy nhiên, chắc chắn Mỹ sẽ tránh chiến tranh. Tôi biết rằng họ mong muốn đạt được thỏa thuận. Một lúc nào đó, mọi thứ sẽ được giải quyết," ông Trump nói.

Bất đồng chưa thể giải quyết

Hiện tại chưa có dấu hiệu mọi mâu thuẫn sẽ được hóa giải. Bộ Ngoại giao Iran đã phủ nhận rằng Tổng thống Iran Hassan Rouhani sẽ gặp ông Trump tại New York vào tuần tới khi hai bên tới tham dự buổi khai mạc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Hồi tháng 6, ông Trump nói rằng một cuộc gặp "vô điều kiện" có thể sẽ diễn ra.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin cũng nhắc tới cuộc gặp này vào hồi tuần trước. Tuy nhiên, ông Trump mới đây tuyên bố đây là tin giả và cáo buộc truyền thông đã bịa đặt thông tin này.

Từ khi nhậm chức, ông Trump đã biến Ả Rập Saudi thành đồng minh thân cận nhất ở Trung Đông bên cạnh Israel, và Mỹ đã ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực của nước này trong việc đối chọi lại ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

Ngụ ý trao quyền tối cao của tổng thống Mỹ cho người ngoài: Ông Trump ưu ái đồng minh tới mức quá đà? - Ảnh 2.

Ông Trump gặp các đại diện của Ả Rập Saudi tại thượng đỉnh G20, Osaka, Nhật Bản. Ảnh: Erin Schaff/The New York Times

Ông Trump cũng không giấu về vai trò của tiền bạc trong mối quan hệ này, công khai nhắc tới giá trị của các hợp đồng vũ khí và lí giải tại sao ông Trump không chỉ trích chính quyền Ả Rập Saudi trong vụ sát hại nhà báo Khashoggi.

Khi hai cơ sở lọc dầu của Ả Rập Saudi bị tấn công bởi UAV vào tuần trước, ông Trump đã nhanh chóng phản hồi về ảnh hưởng của vụ việc đối với giá dầu thế giới.

"Nguồn cung cấp dầu mỏ của Ả Rập Saudi đã bị tấn công. Có lí do để tin rằng chúng ta biết ai là hung thủ. Đã khóa mục tiêu và lên đạn, nhưng chúng ta sẽ đợi Vương quốc [Ả Rập Saudi] xem họ nghĩ rằng ai là kẻ đứng đằng sau vụ tấn công, và chúng ta sẽ tiến hành giải quyết theo phương án nào!" - ông Trump viết.

Thông điệp ông Trump đưa ra có nhiều điểm kì lạ. Ông Pompeo đã "chỉ đích danh" Iran là thủ phạm, nhưng ông Trump thì không. Tuy nhiên, cách ông Trump viết đã khiến nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ nghĩ rằng ông Trump đang trao quyền quyết định của Mỹ cho Ả Rập Saudi.

"Nếu ông Trump muốn sử dụng quân đội, ông ấy cần Quốc hội, chứ không phải hoàng gia Saudi, để chấp thuận điều đó," Chủ tịch Ủy ban Chính sách và Truyền thông David Cicilline nói.

Heather Hurlburt, một quan chức an ninh quốc gia từng làm việc dưới thời tổng thống Bill Clinton, lại cho rằng việc tổng thống nhờ đồng minh tư vấn trước khi hành động là chuyện hoàn toàn bình thường.

Nhà Trắng hiện vẫn từ chối bình luận về tuyên bố của ông Trump.

Tags:
Phạm Hương tiết lộ lý do bỏ showbiz để sang Mỹ sinh sống

Phạm Hương tiết lộ lý do bỏ showbiz để sang Mỹ sinh sống

Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 cho biết cô thích tự sự do như hiện tại, đồng thời tiết lộ không bao giờ giải thích khi bị người khác hiểu lầm.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất