Người tính toán để 14 lần trúng xổ số độc đắc
Cuối những năm 1960, nhà kinh tế học người Romania Stefan Mandel chật vật trang trải cuộc sống với mức lương 10 USD/tháng, ông muốn đổi đời bằng cách trúng số.
15:05 19/08/2023
Mandel tính toán rằng nếu ông mua các bộ số nhất định, ông có thể giành được giải nhì. Ông thuyết phục hai người bạn thực hiện kế hoạch, họ mua hàng trăm vé số.
Vượt qua sự mong đợi, họ thắng giải độc đắc thay vì giải nhì. "Chúng tôi thắng 72.783 leu (gần 17.000 USD theo thời giá ngày nay) tương đương với khoảng 18 năm tiền lương", Mandel kể vào năm 2016.
Với khoản tiền thưởng, ông rời Romania cùng vợ con và đến định cư tại Australia, tiếp tục tính toán cách để trúng xổ số.
Trong một giải xổ số, ban tổ chức quy định một dãy số nhất định, ví dụ như từ 1-50. Người chơi lựa chọn một bộ số gồm các con số nằm trong dãy đó. Nếu bộ số người chơi chọn trùng khớp với kết quả, người đó sẽ trúng giải độc đắc.
Mandel nhận ra một điều: Trong một số giải xổ số, giải độc đắc cao gấp ba lần chi phí mua mọi bộ số có thể. Ví dụ, giải xổ số yêu cầu chọn 6 số trong dãy từ 1 đến 40, tức là có thể tạo ra 3.838.380 bộ số. Với giá một USD một vé số, nếu mua tất cả bộ số có thể, người chơi sẽ tốn hơn 3,8 triệu USD. Nhưng nếu giải độc đắc là 10 triệu USD thì sau khi trừ đi tiền thuế, người chơi vẫn "lãi" lớn.
Đó là chiến lược của Mandel, điều ông cần là có đủ tiền để mua tất cả bộ số. Vì vậy, ông thuyết phục hàng trăm nhà đầu tư gom tiền với nhau, tạo thành "hiệp hội xổ số" với cam kết chia tiền cho họ nếu trúng giải.
Chiến lược của Mandel thành công. Ông cùng các nhà đầu tư trúng số 12 lần trong những năm 1980 tại Australia. Tuy nhiên, cách làm của ông nhanh chóng bị giới chức Australia chú ý. Họ ra thêm nhiều quy định và luật mới để ngăn Mandel tiếp tục làm chủ vận may.
Nhưng 13 lần trúng số tại Australia và Romania là chưa đủ với Mandel, ông nhắm mục tiêu vào xổ số bang Virginia tại Mỹ.
Vào thời điểm đó, xổ số Virginia cho phép người chơi mua vé với số lượng không giới hạn và được tự in tại nhà rồi mang đến các cơ sở như cửa hàng, trạm xăng để thanh toán. Quan trọng hơn, dãy số của họ là 1 đến 44 trong khi các bang khác lên tới 54. Người chơi chọn 6 con số từ dãy này, tức là có thể tạo ra 7,1 triệu bộ số, ít hơn rất nhiều mức hơn 25 triệu thông thường. Với giá một USD một vé, Mandel cần chi 7,1 triệu USD để đảm bảo có trong tay chiếc vé trúng giải.
Mandel thuyết phục được 2.500 nhà đầu tư tại Australia hùn tiền. Họ chờ cho đến khi giải độc đắc lên đủ cao để thực hiện kế hoạch. Thứ 4, ngày 12/2/1992, giải độc đắc Virginia lên đến 15,5 triệu USD, Mandel và cộng sự quyết định hành động. Phiên quay số tiếp theo sẽ diễn ra vào thứ 7, họ có ba ngày để mua 7,1 triệu vé số.
Mandel sử dụng 30 máy tính và 12 máy in laser để in vé số. "Chúng tôi đã sử dụng khoảng 20-30 tấn giấy", ông nói. Sau đó, ông chi 60.000 USD để chuyển chúng đến Virginia. Tại đây, một doanh nhân tên là Anithalee Alex Jr. điều hàng chục người đến các trạm xăng và cửa hàng tạp hóa ở vùng Norfolk để thanh toán số vé khổng lồ này bằng séc.
"Chúng tôi nghĩ họ bị khùng", Rick Miller, chủ trạm xăng địa phương, nói. "Nhưng nếu có ai đó đòi mua 700.000 vé số, chúng tôi sẽ không đuổi họ đi".
Mọi thứ diễn ra suôn sẻ trong hai ngày. Tuy nhiên, vào ngày cuối cùng, vài giờ trước khi hết hạn, một cơ sở ngừng thanh toán cho họ. Cuối cùng, họ chỉ sở hữu được khoảng 6,4 triệu bộ số. Kết quả chung cuộc vẫn phụ thuộc vào may mắn.
Ngày 15/2/1992, họ nín thở chờ đợi kết quả. 6 con số chiến thắng hiện ra trên màn hình tivi: 8, 11, 13, 15, 19, 20. May mắn đã mỉm cười với họ, họ trúng giải độc đắc 27 triệu USD và còn thắng thêm gần một triệu USD từ các giải thấp hơn.
"Khi chiếc vé 27 triệu USD được công bố, chúng tôi đều thấy lâng lâng như trên mây", Alex kể. "Đó là điều đáng kinh ngạc nhất trên thế giới".
14 cơ quan của Australia và Mỹ điều tra chiến thắng này nhưng cuối cùng họ kết luận chiến lược của Mandel hợp pháp vào thời điểm đó. Giám đốc Xổ số Virginia Ken Thorson phàn nàn về cách làm này, nói rằng "chúng ta nên nhớ đến quan niệm của cựu tổng thống Thomas Jefferson về xổ số, đó là cơ hội cho những người bình thường chi một khoản nhỏ để có khả năng trúng giải cao hơn".
Thực tế, 2.500 nhà đầu tư của Mandel không trở nên giàu có. Sau khi trả thuế và trừ đi chi phí thuê hàng chục người thực hiện kế hoạch, họ nhận lãi 1.400 USD từ khoản đầu tư 4.000 USD. Trong khi đó, Mandel tự trả cho mình phí tư vấn 1,7 triệu USD.
Theo Alex Goldmark, nhà sản xuất chương trình Planet Money của NPR, chiến lược của Mandel không có hiệu quả vào thời nay vì các quy định và rào cản. Tất cả 44 bang phát hành xổ số ở Mỹ đã ban hành luật ngăn chặn việc lặp lại chiến lược của Mandel.
Hơn nữa, người chơi hiện không thể tự in xổ số và cơ hội trúng khó hơn trước rất nhiều. Cơ hội trúng giải độc đắc Powerball của Mỹ là 1/290 triệu, trong khi giải Mega Millions là 1/300 triệu.
Số tiền trúng số không ở lại lâu với Mandel. Năm 1995, Mandel tuyên bố phá sản, dường như đã thất bại trong một số khoản đầu tư. Trong thập kỷ sau đó, ông tiếp tục phát triển nhiều kế hoạch đầu tư, một trong số đó khiến ông bị tuyên án tù 10 tháng ở Israel với cáo buộc lừa đảo. Tuy nhiên, luật sư của Mandel hồi tháng ba cho biết phán quyết này đã bị đảo ngược và Mandel chưa ngồi tù ngày nào.
Hiện giờ ông có một cuộc sống bình lặng tại ngôi nhà trên bờ biển ở Vanuatu, quốc đảo nằm gần Australia. Hồi tưởng lại quãng thời gian trước đây, ông nói: "Tôi là người chấp nhận rủi ro, nhưng theo cách có tính toán".
"Chơi xổ số cũng giống như cạo râu vậy, luôn có nguy cơ tôi sẽ làm rách da, nhiễm trùng máu và chết, nhưng dù vậy thì tôi vẫn làm", ông nói thêm.
Link nguồn: https://vnexpress.net/nguoi-tinh-toan-de-14-lan-trung-xo-so-doc-dac-4145683.html
Em trai nuôi Phi Nhung lập kỷ lục ở ‘Người kể chuyện tình’
Duy Zuno, em trai nuôi Phi Nhung, lập kỷ lục ở ‘Người kể chuyện tình’ 2023 với số điểm 31/30. Anh nhận được số điểm cao nhất nhờ ca khúc ‘Mùa đông sắp đến’ của nhạc sĩ Đức Huy.