Người Việt làm nghề mài kềm nail ở Mỹ

Thông thường người ta chọn cho mình một cái nghề làm việc kiếm sống nhưng cũng không ít trường hợp nghề lại chọn người.

22:53 21/06/2017

Anh Thành Phan làm nghề mài kềm nailAustin là một thí dụ. Mặc dù anh cho đó là một nghề phụ để kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình bên cạnh công việc chính sửa chữa bảo trì điện lạnh tại một công ty. Tuy vậy, trong cuộc đời có những công việc phụ tưởng chừng chỉ là cánh tay trái lại đem cho người ta niềm đam mê, hứng thú với công việc, lại trở thành nghề. Anh không ngờ trong một lần bà xã nhờ anh mài mấy chiếc kềm cắt da làm móng, lại mang đến cho anh cái nghề từ trên trời rơi xuống.

nghe-mai-kem-nail5
Anh Thành Phan ở làm nghề mài kềm nail

Nghề chọn người

“Kềm cắt da nào có mắc mỏ lắm đâu, kềm lụt thì mua cái mới có phải tiện không”. Anh Thành nhớ lại lời càm ràm lần bà xã nhờ anh mài kềm. Kêu anh đấu dây điện, thay máy lạnh dễ dàng thôi nhưng cầm mấy cây kềm cắt da nhỏ bé trên tay, anh không biết phải mài làm sao cho bén. Không biết mài có khi bỏ luôn cây kềm, theo kiểu tính già hoá non.

Ấy vậy, mấy cây kềm anh mài xong làm cho bà xã thích quá. Bén ngọt như mới, chị đem vào tiệm khoe với đồng nghiệp khiến mọi người nhờ chị đem hàng chục chiếc kềm bỏ xó nào giờ về cho ông chồng rèn luyện tay nghề.

Công việc tự dưng từ trên trời rơi xuống rồi trở thành nghề hồi nào không hay. Bạn bè bà con quen biết làm nghề nail từ vài nơi khác nghe quảng cáo “miệng” truyền từ người này sang người kia mang kềm tới nhà nhờ anh mài. Mài kềm bén ngọt như mới dưới bàn tay “phù thủy” của anh Thành kiếm ra không phải dễ.

Ông bà mình nói “nghề chọn người chớ không phải người chọn nghề”. Trước đây làm gì có nghề mài kềm cắt móng. Người ta chỉ mài kéo mài dao. Ngày nay, nghề làm đẹp móng tay móng chân trở thành một ngành công nghiệp lớn, trong khi một cây kềm mới chỉ có thể sử dụng được năm bảy lần thì cắt da không còn ngọt nữa. Nghề mài kềm nail tự nhiên xuất hiện đó đây ở những tiểu bang đông người Việt như California, Texas

nghe-mai-kem-nail3
Kiểm tra kềm trước khi mài

Anh Thành nhận ra mình có thêm kỹ năng mài kềm và cảm thấy nó phù hợp với mình hơn cả nghề điện lạnh. Anh quyết định mua vé máy bay về Sài Gòn “tầm sư học nghệ”. Ở Sài Gòn, nghề mài kềm làm móng thịnh hành, tuy thu nhập còn ít ỏi. Thợ làm móng nào cũng có trong túi vài ba cây kềm để làm cho khách.

Ngay cả người đi làm đẹp cũng sắm cho mình một hai cây kềm riêng vì lý do vệ sinh. Như trên đã nói, kềm nail sử dụng năm bảy lần là không còn bấm ngọt nữa, cần phải mài bén để gây tâm lý an toàn cho khách. Anh không đến lớp dạy nghề quảng cáo đầy trên báo, mà lại tìm đến ông thợ mài kềm bên vỉa hè đường phố, bởi chỉ có nơi đây mới có nhiều thời gian dành cho anh.

Ông “thầy” chịu dạy, hai thầy trò ngồi bên chiếc bàn nhỏ, anh vừa mài kềm vừa được sư phụ chỉ bảo từng chi tiết các loại kềm lớn kềm nhỏ. Mỗi loại kềm hư hao khác nhau nên có cách mài khác nhau. Sau hai tháng ngồi bên lề đường mài hàng ngàn chiếc kềm, học hỏi được nhiều bí quyết, tay nghề anh đã vững.

Trở về Austin, anh hành nghề với cái tên mộc mạc in trên tấm danh thiếp: “Thành – Mài kềm nail chuyên nghiệp”. Số điện thoại liên lạc: 512-497-4038. Anh quảng bá công việc của mình lên Facebook, khách hàng khắp các tiểu bang gởi kềm qua bưu điện nhờ bàn tay anh mài, công việc mỗi tháng đều tấn tới.

Công việc mài kềm không đòi hỏi sức lực, trông đơn giản tương đối nhẹ nhàng nhưng cần sự tỉ mẩn cùng niềm đam mê, hứng thú khi góp phần giúp những người làm nail tiết kiệm được chi phí trang bị đồ nghề, đặc biệt là chiếc kềm nail. Nghề nail phát triển ngày càng nhiều, tất nhiên sự cạnh tranh ngày cũng trở nên nhiều hơn khiến thu nhập của thợ nail có phần giảm sút, tiết kiệm chi phí mua kềm mới cũng là một cách cải thiện thu nhập.

Anh cho biết: “Kềm nail có hai loại: loại thép thường và loại thép carbon có mạ chrom. Loại thép chỉ mài một hai lần là không còn mài được nữa, loại thép carbon tốt hơn có thể được ba bốn lần, phải thay mới”.

nghe-mai-kem-nail4
Kềm được khách hàng gởi qua bưu điện

Tất nhiên, người thợ làm nail cầm trong tay cây kềm mới xuất xưởng vẫn yên tâm phục vụ khách hàng nhưng cầm cây kềm mài lại cũng không phải là tệ bởi nó bén ngọt không kém. Nhớ ở Sài Gòn hồi trước, cuộc sống khó khăn, bút bi không phải là không có sản xuất nhưng vẫn xuất hiện nghề bơm mực bút bi để người tiêu dùng tiết kiệm. Cây bút cũng chỉ bơm mực được vài lần rồi phải bỏ mua mới vì đầu bi lấy ra đặt vô vài lần đã mòn không còn kín khiến mực chảy tèm lem. Cây kềm nail cũng vậy thôi. 

Khách hàng hài lòng, công việc tấn tới

Ở góc nhà nhỏ thuê mướn của anh là chiếc bàn con. Trên bàn chỉ có chiếc máy vừa là máy mài vừa là máy đánh bóng thông thường, chiếc đe, cây búa nhỏ, cây giũa, chiếc đèn soi và bao nylon bọc kềm sau khi mài xong thành phẩm. Bên hông bàn, hàng chục hộp bưu kiện từ khắp nơi gởi về anh mài còn chưa khui. Một kiện hàng lớn vừa gởi đến, anh Thành khui ra cho tôi xem.

Anh cho biết: “Ngoài kềm cá nhân của các thợ nail, nhiều cơ sở cung cấp Nail Supply thu mua kềm cũ không xài của khách hàng gởi đến cho anh mài lại. Có khi người có nhu cầu mài kềm không biết Facebook của anh nên không trực tiếp gởi đến. Hoặc giả, đợi gom đủ năm mười cái kềm tốn tiền bưu điện gởi đi thì cũng đâu vào đấy. Người ta bán rẻ lại cho tiệm, tiệm gởi mài xong rồi bán lại cho thợ với giá cả nhẹ nhàng”.

Hỏi anh mài cây kềm tiền công bao nhiêu và mỗi ngày mài được bao nhiêu cây, anh thú thật: “Một đồng một cây. Mấy tháng trước, mỗi ngày mài không nhiều. Còn bây giờ, cứ mỗi tháng trung bình chừng bảy tám trăm cây. Mài trên trăm cây lại được giảm giá 10%. Làm nghề này, tôi dùng thời gian sau giờ làm hãng hoặc rảnh rỗi cuối tuần xem như bỏ công làm lời. Thu nhập chẳng bao nhiêu nhưng vui vì mình có thêm công việc làm nhờ được thợ nail yêu mến gởi kềm đến tạo cho mình việc làm đều đều”.

nghe-mai-kem-nail2
Giũa cho đều trước khi mài.

Anh lấy ra trong thùng hàng gởi một cây kềm của khách mài cho tôi xem thử để biết xong một cây kềm trong thời gian bao lâu. Không dễ “ăn” tí nào. Ðầu tiên nhìn xem cây kềm mòn như thế nào, lưỡi hoặc mũi. Rất nhiều trường hợp người thợ làm rớt kềm, lưỡi không mòn nhưng mũi mẻ. Mài xong, phải thử xem kềm bén ngọt không.

Tôi chợt hỏi: Phải lấy gì mà thử? Anh bảo thử trên da móng tay. Ý trời: “Cắt hết da móng tay rồi lấy gì mà thử?”“Dây thun. Ðộ dai và độ đàn hồi của dây thun chắc hơn da, bấm dây thun đứt nhẹ có nghĩa là kềm cực bén”. Mài xong, anh chụp đầu ống nhựa mềm lên đầu kềm hoặc bỏ vào bao nhựa để mũi kềm không va chạm với nhau, sau đó đóng hộp, ra bưu điện gởi trả lại cho khách hàng.

nghe-mai-kem-nail1
Giai đoạn mài là công việc tỉ mẩn nhất

Ðịnh bụng hỏi anh xem có ai mang kềm về Sài Gòn nhờ mài không thì anh tự nhiên bộc bạch: “Tuy ở những tiểu bang đông người Việt có một số người làm nghề mài kềm nail nhưng vẫn có người sẵn tiện về Sài Gòn thăm thân nhân mang kềm theo nhờ thợ mài luôn thể. Tiết kiệm chút ít, nhưng mỗi lần mang kềm ra sân bay thường bị nhân viên hải quan làm khó làm dễ nên người ta cũng chán. Nghe nói ở California, có người còn làm nghề mài kềm lưu động, họ chạy xe đến đậu ở bãi đậu xe, dạo một vòng các tiệm, nhận kềm mài tại chỗ”. Té ra nghề mài kềm thu nhập ít ỏi nhưng vẫn có sự cạnh tranh.

Tôi nghĩ, đó cũng là chuyện bình thường, có cạnh tranh mới có tiến bộ. Ðiều này nói lên nhu cầu mài kềm nail là một nhu cầu tiết kiệm thiết yếu trong một ngành nghề làm đẹp mà người Việt hoàn toàn làm chủ thị phần.

nghe-mai-kem-nail
Thử độ bén của kềm bằng cách cắt nhẹ đứt ngọt dây thun.

Anh Thành cho tôi xem nhiều nhận xét từ khách hàng từ Facebook, tôi xin viết lại nguyên văn một khách hàng tận California: “Ở Oakland, Richmond không thiếu thợ mài kềm, nhưng phải công nhận tay nghề của anh Thành là quá giỏi, những cây kềm cũ qua tay anh đã trở thành những cây kềm sắc bén đến không ngờ. Cám ơn rất nhiều!!! (Thu Hương)”. Và còn hàng trăm khách hàng đều khen tay nghề mài kềm của anh Thành với lời bình phẩm rất chân thật. Ðịnh hỏi anh xem có khách hàng nào chê không nhưng nghĩ lại thấy câu hỏi của tôi lúc này hơi thừa.

Hy vọng, công việc mài kềm của thương hiệu nhỏ bé: “Thành – Mài kềm nail chuyên nghiệp” ngày càng nhận được nhiều ưu ái của khách hàng.

Chủ tiệm nail gốc Việt bị tố cưỡng hiếp khách hàng

Chủ tiệm nail gốc Việt bị tố cưỡng hiếp khách hàng

Một chủ tiệm làm móng gốc Việt đối mặt với ít nhất 5 năm tù sau khi bị cáo buộc cưỡng hiếp một nữ khách hàng.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất