Những mảnh đời quanh tôi tại Mỹ

Lấy anh chắc chắn tôi sẽ không vui, lấy tôi chưa chắc anh đã giàu như hôm nay vì vợ anh là một người chịu thương, chịu khó lại giỏi làm ăn buôn bán, chung vai góp sức với anh. Chúng tôi đi trên hai ngả đường đời nhưng cùng đích đến “Vì tương lai con cái”.

14:21 07/11/2023

Tôi sang Mỹ với hai bộ quần áo cũ và mấy đồng bạc trên tay. Vì đã 20 tuổi nên tôi không được ở chung với người bảo trợ trong hội nhà thờ Tin lành. Họ mướn cho tôi một căn phòng nhỏ ở một chung cư dành cho người nghèo. Đêm đầu tiên ở xứ người, một mình lạnh lẽo dưới ánh đèn vàng hiu hắt tôi cảm nhận được sự cô đơn cùng cực lẫn sự sợ hãi về một tương lai vô định.

Mấy ngày sau đó họ dẫn tôi đi làm giấy tờ, đăng ký học và kiếm việc làm vì họ chủ trương không sống bám vào trợ cấp của chính phủ. Ở xứ lạ quê người, họ bảo sao thì mình chỉ biết làm vậy. Hai tuần sau tôi đi làm trong một xưởng làm hộp đựng nữ trang với mức lương tối thiểu lúc đó là $3.00. Mỗi sáng tôi phải đón hai chuyến xe buýt, đi bộ một dặm mới đến nơi. Làm 8 tiếng nhưng đi về cũng gần 12 tiếng, sau đó thì đi học Anh văn của một hội thiện nguyện giúp đỡ người nhập cư. Họ cũng ôn bài cho tôi đi thi GED (tương đương bằng tốt nghiệp lớp 12). Việc học thật ra không khó mấy vì tôi đã có căn bản từ Việt Nam nhưng việc làm mới là một thử thách lớn với một người con gái mới rời ghế nhà trường như tôi.

Lắp hai mảnh hộp lại với nhau rồi dùng máy dập, mới nhìn thì đơn giản mà không dễ chút nào nhất là phải làm trong cả một dây chuyền sản xuất, chậm một chút là hàng chất đống trước mặt, người ngồi sau thì hối thúc để có hàng chuyển qua cho họ, chỉ trật một khớp thì hai nắp không dính lại, dập không đều, hộp lại méo sang một bên. Công việc nhìn có vẻ nhẹ nhàng nhưng chỉ chừng vài tiếng là hai cánh tay từ bả vai xuống bàn tay mỏi rã rời, còn cái mông, đùi và hai bàn chân thì lại tê cứng vì cứ ngồi yên một chỗ không di chuyển.

Một thân, một mình có tiền đi làm, cộng thêm food stamp lại được trả tiền nhà với giá tượng trưng, thật ra cũng đủ xoay sở nhưng tôi còn nặng gánh gia đình bên Việt Nam, thương mẹ một mình vất vả lo lắng cho các em còn phải nuôi bố ở miền Bắc nên tôi lại đi theo một cô Mexico cùng chung cư đi lau dọn building vào buổi tối. Cứ nghĩ một giờ làm việc bên này là ở Việt Nam có thể ăn được cả tuần vậy là hết mệt mỏi, lại thấy hứng thú đi làm. Công việc ở đó là hút bụi, đổ rác, lau bàn ghế của nhân viên và chùi rửa cầu tiêu. Mỗi lần lau bàn làm việc tôi thường thấy những tấm ảnh của người chủ nhân chiếc bàn và gia đình của họ trưng bày trên đó, thấy họ ăn mặc sang trọng đẹp đẽ, gia đình hạnh phúc vui vẻ, nghĩ đến thân mình tôi lại muốn rơi nước mắt. Cúi xuống chùi chiếc bồn cầu tôi tự dặn lòng “cuộc đời này không thể cứ cuối xuống mãi như thế được”.

Một năm trời như vậy tôi tiếp tục làm ở xưởng hộp buổi sáng, đi học buổi chiều và đi quét dọn buổi tối. Tôi thi GED, SAT và nộp đơn vào đại học. Ngày tôi nhận giấy báo vào đại học cũng là ngày anh ngỏ lời cầu hôn với tôi. Tôi quen anh trong xưởng hộp, anh gốc người miền Trung, bỏ học từ năm lớp 9 để đi làm cá. Anh sang đây trước tôi 5 năm, vất vả lắm mới lấy được cái bằng GED, tiếng Anh thì vẫn còn rất yếu. Anh nói thẳng với tôi anh không thể nhét chữ vào đầu ngay cả tiếng Việt, anh không phải là người đi học chữ nhưng bù lại anh là một thợ máy rất giỏi. Máy móc trong xưởng mỗi lần hư anh chỉ cần nhìn mấy cái, nghe tiếng máy là đã đoán ra được bệnh nên sửa rất mau. Anh làm việc giỏi nên ai cũng quý mến. Ngoài giờ làm ở xưởng, anh còn đi làm thợ phụ ở một hãng xe để học nghề sửa xe hơi. Anh chăm chỉ làm ăn, hiền lành không cờ bạc, rượu chè như những thanh niên độc thân khác.

Lấy anh, tôi sẽ tìm được một bến đỗ vững chắc của đời mình. Anh là một người đàn ông có trách nhiệm, siêng năng, chắc chắn anh sẽ bao bọc đời tôi và các con không lo đói, không sợ nghèo. Thế nhưng tình yêu không thể đo bằng tiền bạc, hôn nhân không phải là một chỗ dựa về tài chánh. Tôi quý anh, mến anh nhưng con tim tôi không đập chung một nhịp với anh, những mộng ước về tương lai của tôi không giống anh, những khát khao trong bản thân của tôi hoàn toàn xa lạ với anh. Niềm vui của tôi không phải thật sự là của anh. Ngày nhận giấy vào đại học tôi sung sướng, mừng vui đến trào nước mắt, nghĩ đến lúc bước chân vào giảng đường là tôi hồi hộp đến ngủ không được, nhưng anh đã chia sẻ niềm vui của tôi bằng một chiếc nhẫn cầu hôn để giữ tôi lại, làm cuộc đời của một người đàn bà yên phận bên chồng con.

Tôi từ chối lời cầu hôn của anh, khăn gói lên đường đi học đại học mà lòng không hề hối tiếc. Anh buồn nhưng biết không thể thay đổi quyết định của tôi, anh đưa tôi đến trường cách đó hai tiếng lái xe, hẹn có dịp sẽ gặp lại.

Tôi đi học vui với đời sinh viên, thỉnh thoảng có gặp anh nhưng khoảng cách địa lý và tâm hồn ngày càng xa. Thời gian cũng giúp anh xoá đi nỗi buồn, nhất là khi anh gặp một người con gái khác xinh đẹp hơn, dịu dàng, thông cảm anh hơn tôi. Sáu tháng sau họ đám cưới, anh xin cho vợ vào làm cùng hãng, chị làm công việc như tôi và trớ trêu thay cũng ngồi ngay chỗ cũ của tôi. Sau giờ làm ở hãng, chị tiếp tục làm công việc hầu bàn ở quán ăn như trước, anh đi sửa xe. Hai vợ chồng làm việc cật lực không có ngày nghỉ và để dành được một số tiền để mua cái garage sửa xe nhỏ. Anh sửa xe còn chị thì đọc báo, đi lùng mua xe cũ, xe hư, xe bị đụng về cho anh sửa rồi bán lại kiếm tiền lời.

Anh giỏi nghề lại làm việc tận tâm, tính tiền công tương đối rẻ nên ngày càng nhiều khách hàng. Có vốn anh mua luôn cây xăng bên cạnh cho chị buôn bán. Anh dần dần khuếch trương business của mình thành một xưởng sửa xe lớn đầy đủ máy móc dụng cụ, tiền đẻ ra tiền anh chị mua nhà cho thuê, làm chủ shopping mall, commercial building. Sau 30 năm làm việc vất vả cực nhọc, anh chị đã hồi hưu, trong tay có một số vốn lớn: một hãng sửa xe, mấy cây xăng và nhiều bất động sản trị giá bạc triệu.

Anh có 3 đứa con: cháu lớn nhất đang học nha sĩ. Cháu kế học dược sĩ và cháu nhỏ mới vào đại học. Anh vẫn thường bảo các con phải cố gắng để học cho nhàn nhã tấm thân, đừng giống anh bỏ học nửa chừng nên phải làm việc rất vất vả.

Tôi thì nghĩ khác, anh mới là một tấm gương cho con cái và mọi người chung quanh học tập. Anh là một mẫu người làm giàu từ cần kiệm, siêng năng cộng thêm chút may mắn. Tuy anh không có bằng cấp, học vị nhưng anh biết học nghề, làm giàu bằng nghề nghiệp chân chính của mình. Tôi rất khâm phục và ngưỡng mộ vợ chồng anh.

Bạn hỏi tôi có tiếc vì năm xưa không nhận lời lấy anh không? Không, không tiếc chút nào. Tôi thích học, tôi yêu đời sinh viên, lúc đó tôi nghèo lắm, đói ăn, thiếu mặc vì không dám mượn tiền học quá nhiều. Một tuần có 7 ngày, 21 bữa ăn mà tôi chỉ có tiền trả cho 10 bữa nên những ngày còn lại là bánh mì, trứng muôn năm. Ngoài giờ học, tôi đi làm hộ lý trong bệnh viện, tắm rửa, thay quần áo, thay tã, lau chùi cho bệnh nhân. Có hôm có người bị bón, phải thụt cho họ, lắm lúc phân với nước văng tung toé dính đầy mặt mũi.

Khổ vậy nhưng vẫn vui vì tôi có mục đích đi đến của đời mình, biết rằng những khó khăn vất vả lúc này chỉ là tạm thời. Con người sống cần có hy vọng và khi mình thấy mỗi ngày bước gần đến mục đích thì niềm vui càng nhân lên. Rồi tôi học lên tiếp tục và đi thực tập ở bệnh viện, ở đây tôi đã gặp tình yêu đích thực của mình, người cùng tôi chia sẻ buồn vui, mơ ước và công việc.

Đời sống chúng tôi đủ ăn, đủ mặc, có nhà, có xe, con cái đến trường học hành đàng hoàng. Ngoài tiền tiêu xài, chúng tôi có tiền để dành, tiền hưu trí, tiền học đại học cho con, một năm đi chơi hai lần: mùa đông và mùa hè. Chồng tôi làm việc toàn thời gian, tôi làm chỉ nửa ngày, nửa ngày còn lại dành cho con cái, đưa đón chúng đi học, đi chơi thể thao, dạy dỗ cho chúng làm bài, học bài. Ngày chủ nhật sau khi tan lễ, các con tôi ở lại nhà thờ để học chương trình Việt ngữ. Vợ chồng là đồng nghiệp nên chúng tôi có thể trao đổi nhiều vấn đề từ xã hội đến công việc làm.

Vợ chồng chúng tôi không giàu như anh nhưng tôi hạnh phúc với những gì mình đang có. Một công việc yêu thích, một thu nhập xứng đáng với những năm học hành khó nhọc, một cuộc sống đơn giản và bình đạm, không cần phải đua chen với đời.

Lấy anh chắc chắn tôi sẽ không vui, lấy tôi chưa chắc anh đã giàu như hôm nay vì vợ anh là một người đàn bà chịu thương, chịu khó lại giỏi làm ăn buôn bán, chung vai góp sức với anh. Chúng tôi đi hai ngả trên con đường đời nhưng cùng một đích đến “Vì tương lai con cái”. Mỗi chúng tôi sống và làm việc khác nhau nhưng đều mong con cái của mình đến trường, trau dồi học vấn bởi vì qua bao thăng trầm, vất vả trong cuộc đời, cả 4 người chúng tôi, những bậc cha mẹ đều nhận thấy rằng, tiền bạc, may mắn, cơ hội đều có thể đến rồi đi nhưng kiến thức, học vấn là người bạn đường chung thuỷ, những cái gì ta học được sẽ vẫn ở mãi bên ta. Ăn thua là biết học cái gì và vận dụng vào đời sống ra sao.

Con gà, con công, con phụng con nào cũng là con cả, chúng ta là con người, xin hãy để phần người lớn hơn phần con.

Thân ái.

Tags:
Người phụ nữ gốc Việt kiếm gần một triệu USD nhờ quán bar thể thao cho nữ

Người phụ nữ gốc Việt kiếm gần một triệu USD nhờ quán bar thể thao cho nữ

Chỉ sau 8 tháng kinh doanh, Jenny Nguyễn thu về một triệu USD nhờ mô hình quán bar thể thao đầu tiên dành cho nữ tại Mỹ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất