Phương Tây đối phó với biến chủng Delta thế nào?

Giữa lúc biến thể Delta lây lan mạnh, nhiều nước phương Tây nhanh chóng dừng mở cửa và siết hạn chế, trong khi một số chọn sống chung với dịch.

04:00 07/07/2021

Ngày 14/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp loại Delta, chủng mới của nCoV lần đầu xuất hiện ở Ấn Độ, là "biến chủng đáng lo ngại". Soumya Swaminathan, trưởng nhóm khoa học của WHO, bốn ngày sau đó cảnh báo Delta có thể trở thành chủng trội toàn cầu.

Ngày 23/6, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Âu nói biến chủng Delta có thể chiếm 90% số ca nhiễm mới ở Liên minh châu Âu trong vài tháng tới.

"Biến chủng Delta rất có thể sẽ lan rộng trong mùa hè này, đặc biệt ở nhóm người trẻ chưa được tiêm chủng", Andrea Ammon, giám đốc CDC châu Âu, nói.

Hai người ở Pháp, 42 và 60 tuổi, đã chết sau khi nhiễm biến thể Delta, giới chức y tế địa phương cho biết hôm 28/6. Hai bệnh nhân chưa được tiêm vaccine và có bệnh lý nền. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran tuần tước cho biết biến thể Delta chiếm 20% số ca Covid-19 của nước này.

Pháp hôm 30/6 thông báo hoãn nới lỏng các biện pháp hạn chế ở vùng Landes, tây nam nước Pháp, tới ít nhất ngày 6/7 do biến thể Delta. "Chúng tôi không muốn thấy nguy cơ dịch bùng phát trở lại", người phát ngôn của chính phủ Pháp Gabriel Attal nói tuần trước.

Một điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Capbreton, vùng Landes, Pháp hôm 24/6. Ảnh: AP.
Một điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Capbreton, vùng Landes, Pháp hôm 24/6. Ảnh: AP.

Để kiểm soát Covid-19, Pháp đã phân chia các quốc gia thành ba nhóm xanh, vàng và đỏ theo mức độ cảnh báo nguy cơ dịch từ thấp đến cao.

Kể từ 9/6, những người tiêm chủng đầy đủ đến từ các quốc gia thuộc nhóm "xanh" có thể nhập cảnh vào Pháp mà không cần trình kết quả xét nghiệm âm tính hoặc cách ly. Trong khi những người chưa tiêm chủng phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trong 72 giờ.

Những du khách đã tiêm chủng đến từ nhóm "vàng", gồm Anh, phải trình kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ. Ngoài yêu cầu trên, những người chưa tiêm chủng phải có lý do đến Pháp chính đáng và cách ly bắt buộc 7 ngày sau khi nhập cảnh.

Những quy định tương tự cũng được áp dụng với du khách chưa tiêm vaccine đến từ nhóm "đỏ", nhưng thời gian cách ly bắt buộc là 10 ngày.

Để được xếp vào danh sách đã tiêm chủng đầy đủ, du khách tới Pháp phải tiêm đủ liệu trình của một trong các loại vaccine được EU phê duyệt gồm Pfizer, AstraZeneca, Moderna và Johnson & Johnson. Mũi thứ hai phải tiêm ít nhất hai tuần trước ngày nhập cảnh.

Pháp cũng ra mắt thẻ thông hành y tế kỹ thuật số, gồm các thông tin về tiêm chủng, xét nghiệm nCoV hoặc chứng nhận từng mắc Covid-19 nhưng đã khỏi. Tuy nhiên, thẻ thông hành hiện mới được triển khai cho người dân Pháp, cho phép họ có thể tới sân vận động hoặc tham dự các sự kiến lớn.

Nhà hàng, quán cà phê có thể mở dịch vụ ngoài trời với không quá 6 người mỗi bàn, trong khi dịch vụ trong nhà được phép hoạt động 50% công suất. Quy định đeo khẩu trang khi ở không gian bên ngoài được nới lỏng, nhưng vẫn bắt buộc tại các địa điểm đông đúc như chợ hay sận vận động, không gian trong nhà hay trên phương tiện giao thông công cộng.

Giới chức y tế Pháp tuần trước cảnh báo nước này không loại trừ khả năng tái áp đặt các biện pháp hạn chế nếu biến chủng Delta tiếp tục lây lan.

Đức, quốc gia đã tiêm chủng đầy đủ hơn 37% dân số, đã cố gắng làm chậm sự lây lan của virus bằng cách hạn chế đi lại. Người đến từ "vùng biến chủng", bao gồm Anh, Bồ Đào Nha, Nga và Ấn Độ, phải cách ly 14 ngày, bất kể họ đã tiêm chủng hay có kết quả xét nghiệm âm tính hay không.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn hôm 1/7 cho biết nước này đang xem xét khả năng giảm thời gian cách ly đối với những người nhập cảnh từ nước có tỷ lệ lây nhiễm của biến thể Delta cao, nếu đảm bảo rằng họ đã được tiêm chủng đầy đủ. Ông thêm rằng chính phủ Đức đang cân nhắc điều này dựa trên nhiều nghiên cứu cho thấy người tiêm đủ liều vaccine có thể được bảo vệ tốt trước biến chủng Delta.

Là một trong những nước tổ chức giải bóng đá Euro 2020, giới chức Đức cho biết đối với các trận đấu tại Munich, Đức, chính quyền đã thực thi các quy tắc nghiêm ngặt và chỉ cho phép 14.000 người hâm mộ vào sân vận động dù sức chứa của sân lên tới 80.000 người.

Nhiều khu vực ở Tây Ban Nha, gồm Catalonia, báo cáo số ca nhiễm biến chủng Delta tăng 20%. Giới chức y tế địa phương tuần trước dự báo Delta có thể trở thành chủng trội ở nước ngày trong vòng 2-4 tuần tới. Tuy nhiên, Tây Ban Nha vẫn quyết định ngừng quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở ngoài trời.

Kể từ ngày 28/6, tất cả người Anh chưa tiêm chủng khi nhập cảnh vào Bồ Đào Nha đều phải cách ly bắt buộc hai tuần. Theo quy định mới, tất cả du khách tới Bồ Đào Nha bằng đường hàng không, đường bộ hay đường biển cũng phải chứng minh đã tiêm chủng đầy đủ nếu không muốn bị cách ly.

Các biện pháp mới được Bồ Đào Nha đưa ra sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel chỉ trích nước này cho phép quá nhiều du khách Anh nhập cảnh trong giai đoạn giữa tháng 5 và đầu tháng 6, khi Delta đang bùng phát mạnh ở Anh.

Anh, vùng dịch lớn thứ 7 thế giới và là quốc gia nằm trong "danh sách đen" của nhiều nước, đã ghi nhận xu hướng ca nhiễm mới tăng trong những ngày gần đây, trong đó 99% là ca nhiễm biến chủng mới Delta. Anh ban đầu định dỡ toàn bộ biện pháp hạn chế Covid-19 vào ngày 21/6 theo lộ trình mở cửa của nước này, tuy nhiên phải lùi tới ngày 19/7 do ca nhiễm Delta tăng mạnh.

Cuối tuần trước, Hiệp hội Y khoa Anh (BMA) kêu gọi chính phủ duy trì một số biện pháp hạn chế sau ngày 19/7 nhằm ngăn dịch lây lan. Hiện hộp đêm ở Anh chưa được phép mở cửa trở lại, những sự kiện quy mô lớn chưa được hoạt động hết công suất và một số dịch vụ vẫn bị giới hạn tại các quán rượu.

Bất chấp số ca nhiễm mới tăng gấp 10 lần kể từ cuối tháng 5, Thủ tướng Boris Johnson ngày 5/7 cho biết việc dỡ hoàn toàn hạn chế vào ngày 19/7 sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch, đồng thời kêu gọi người dân Anh nên học cách sống chung với đại dịch.

Anh là một trong những quốc gia đầu tiên triển khai tiêm chủng đại trà và đến nay, khoảng 64% dân số trưởng thành đã tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19.

Cổ động viên Anh ăn mừng trong trận tứ kết với Đức ở sân vận động Wembley hôm 29/6. Ảnh: AFP.
Cổ động viên Anh ăn mừng trong trận tứ kết với Đức ở sân vận động Wembley hôm 29/6. Ảnh: AFP.

Ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, Mỹ cũng ghi nhận xu hướng đáng lo ngại liên quan tới chủng Delta. Số ca nhiễm mới ở Mỹ đã tăng 10% trong tuần qua, đặc biệt ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Biến thể Delta chiếm 25% số ca nhiễm mới.

Dù ca ngợi những nỗ lực của Mỹ trong cuộc chiến chống Covid-19, Tổng thống Joe Biden cũng bày tỏ những lo ngại về Delta. "Tôi lo ngại những người chưa tiêm vaccine có thể nhiễm biến chủng mới và lây cho những người chưa tiêm khác", ông nói.

Biến chủng Delta đã nhanh chóng có mặt ở hơn 90 quốc gia, được coi là biến chủng "khôn ngoan nhất" của chủng gốc gây ra đại dịch với khả năng săn lùng đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Lo ngại về đợt bùng phát mạnh trên toàn cầu, WHO ngày 25/6 một lần nữa khuyến nghị mọi người, gồm cả những người đã tiêm vaccine, đeo khẩu trang để ngăn chặn dịch lây lan.

Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ chưa có động thái nào cho thấy sẽ xem xét lại hoặc sửa đổi quy định đeo khẩu trang. Hồi tháng 5, CDC ra bản hướng dẫn cập nhật, tuyên bố những người tiêm đầy đủ hai mũi vaccine không cần đeo khẩu trang, kể cả ở trong các không gian trong nhà.

Trong nỗ lực ứng phó với biến chủng, giới chức liên bang và địa phương đang tìm nhiều cách để khuyến khích người dân tiêm vaccine Covid-19.

Người dân Mỹ đang dần trở lại cuộc sống bình thường. Chính phủ Mỹ cũng khuyến khích các buổi tụ tập, diễu hành và màn trình diễn pháo hoa khắp đất nước để chào đón ngày quốc khánh 4/7. Các buổi tiệc, buổi hòa nhạc và nhiều sự kiện khác cũng đang dần trở lại ở Mỹ.

"Tôi đã tiêm chủng nên không thấy lo lắng chút nào. Tôi cảm thấy Delta có thể khiến mọi thứ trở nên tệ hơn nên mong rằng mọi người sẽ tiêm vaccine. Nhưng hiện tại, tôi thực sự không thấy lo lắng. Chúng tôi phải ra ngoài và tận hưởng niềm vui, bởi biết đâu chúng tôi lại có thể phải chịu cảnh đóng cửa lần nữa", Rose Minelli, một người đến từ Chicago, nói.

Tags:
‘Mắc kẹt’ giữa Sài Gòn thời Covid-19: Quán bún 3 tỉ giờ thanh lý đồ đạc để bù lỗ

‘Mắc kẹt’ giữa Sài Gòn thời Covid-19: Quán bún 3 tỉ giờ thanh lý đồ đạc để bù lỗ

Quán bún ở TP.HCM được đầu tư 3 tỉ đồng - gia sản của vợ chồng anh Hoàng đổ hết vào đây - giờ như ‘chết lâm sàng’. Dịch Covid-19 đẩy anh chị vào cảnh đau đớn bỏ quán, thanh lý đồ để vớt vát bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất