Singapore chuẩn bị kế hoạch “sống chung với COVID-19”
Singapore đang chuẩn bị lộ trình “sống chung với COVID-19” như một phần cuộc sống hàng ngày, khi quốc gia này coi đây là một loại bệnh ít đe dọa hơn, tương tự như bệnh cúm. Theo đó, người dân vẫn có thể đi làm, du lịch mà không cần cách ly hay thực hiện việc phong tỏa. Đây được xem là một quyết định khá táo bạo của đảo quốc sư tử.
13:00 05/07/2021
Theo tờ Wall Street Journal, với gần 40% dân số được tiêm chủng đầy đủ, Singapore đang có kế hoạch chuyển sang một giai đoạn mới, trong đó họ không còn cố gắng truy vết mọi trường hợp để chấm dứt mọi khả năng lan truyền dịch bệnh. COVID-19 sẽ coi như một loại bệnh ít đe dọa hơn, một bệnh đặc hữu và không còn gây ra tình huống làm tê liệt cuộc sống bình thường tại quốc gia này.
Mọi người dường như đang cảm thấy mệt mỏi khi phải chiến đấu với đại dịch. Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Gan Kim Yong, Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong và Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung cho biết trên tờ Straits Times. “Đã 18 tháng kể từ thời điểm đại dịch bùng phát và người dân của chúng tôi đã rất mệt mỏi khi phải chiến đấu với COVID-19. Tất cả mọi người đều đang tự hỏi: Khi nào đại dịch này sẽ kết thúc đây? Tin xấu là COVID-19 có thể sẽ không bao giờ biến mất”.
“Chúng ta có thể sống chung với COVID-19 hay không còn phụ thuộc vào hành vi và sự chấp nhận của người dân Singapore rằng COVID-19 sẽ là một căn bệnh đặc hữu. Nếu tất cả chúng ta cùng chung tay chống lại đại dịch, người lao động giữ an toàn cho đồng nghiệp bằng cách ở nhà khi nhiễm virus, đất nước của chúng ta sẽ trở nên an toàn hơn rất nhiều”.
Mỹ và một số quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn so với Singapore, họ đã và đang nới lỏng các hạn chế vì dịch bệnh để thúc đẩy sự hồi phục kinh tế. Singapore thay đổi kế hoạch ứng phó sau khi chính phủ nước này thừa nhận ngay cả khi tiêm vắc-xin cho người dân thì COVID-19 sẽ không sớm bị xóa xổ. Thực tế là corona đã sản sinh ra nhiều biến thể, trong đó có một số biến thể khó ngăn chặn hơn so với các phiên bản virus trước đó, cộng thêm việc chậm cung cấp vắc-xin cho các quốc gia đang phát triển đang tạo điều kiện cho corona có cơ hội phát triển.
Một lộ trình đang được vạch ra để đưa Singapore sang trạng thái bình thường mới và sẽ được thực hiện song song với chiến dịch tiêm chủng. Kế hoạch thay đổi chiến lược đối phó từ mức độ đại dịch sang coi COVID-19 như một bệnh đặc hữu dường như sẽ được tiến hành theo kịch bản như sau: hầu hết 5,7 triệu dân Singapore sẽ được tiêm vắc-xin. Quốc gia này đã đặt mục tiêu tiêm chủng cho 2/3 dân số vào đầu tháng 8.
Về mọi mặt của đời sống, xã hội Singapore chắc chắn sẽ khó có thể trở lại ngay như trước khi dịch bệnh bùng phát. Du lịch sẽ không sớm dễ dàng trở lại, mặc dù việc đi lại có thể được nới lỏng với những người có giấy chứng nhận đã tiêm vắc-xin. Việc xét nghiệm nhanh COVID-19 cũng sẽ được tiến hành ở khắp mọi nơi, từ sân bay đến các toà nhà văn phòng, trung tâm thương mại hay trường học.
Con đường để trở lại cuộc sống bình thường được đánh giá là vẫn còn nhiều khó khăn. Mặc dù một số nước giàu đang bắt đầu khép lại những ngày tháng đen tối nhất của đại dịch, nhưng virus corona chết người vẫn chưa được kiểm soát ở phần lớn các nước trên thế giới. Các quốc gia có dân số đông như Indonesia hay Bangladesh đang phải đối mặt với những đợt bùng phát mới. Ấn Độ thì phát đi cảnh báo một làn sóng dịch bệnh mới có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Số ca tử vong cũng tăng nhanh ở nhiều nơi trên lục địa châu Phi. Trung bình trên toàn cầu vẫn có khoảng 8.000 người thiệt mạng mỗi ngày do COVID-19.
Catherine Bennett, chủ nhiệm bộ môn dịch tễ học tại Đại học Deakin của Australia cho rằng một nỗ lực toàn cầu là cần thiết để giúp tất cả các quốc gia tiêm vắc-xin cho người dân của họ ở mức độ cao, đồng thời nhận định rằng COVID-19 đang dần trở thành bệnh đặc hữu.
Dẫu vậy, bà Bennett cho rằng các chính phủ cũng như giới chuyên gia y tế công cộng cần phải theo dõi dịch bệnh, không phải bằng cách truy vết mọi trường hợp lây nhiễm hoặc cố gắng tìm hiểu có bao nhiêu ca mắc trong cộng đồng mà bằng cách cập nhật liên tục các biến thể hiện đang lưu hành.
Phan Anh (tổng hợp)
Nguyên tắc lập quốc của Hoa Kỳ: Nỗ lực, tiết kiệm, không nợ nần
Những nhà lập quốc Hoa Kỳ đã cảnh báo trong nguyên tắc lập quốc rằng: Đừng bao giờ rơi vào vũng bùn nợ nần. Bởi vì một khi quốc gia gánh nợ, sự tự do sẽ bị hủy diệt hoàn toàn, chỉ có thể cúi đầu khuất phục người khác.