Sợ bị trục xuất, nhiều di dân bất hợp pháp không dám lãnh food stamp
Việc lùng bắt thành phần di dân bất hợp pháp của chính phủ Donald Trump đang khiến nhiều người thuộc giới nghèo phải có quyết định ảnh hưởng trực tiếp tới dạ dày của họ là rút khỏi chương trình nhận trợ cấp thực phẩm vì sợ bị trục xuất, theo giới tranh đấu cũng như thành phần di dân.
06:02 09/06/2017
Những người không phải là cư dân hợp pháp ở Mỹ không được tham dự vào chương trình có tên chính thức là “Chương Trình Trợ Giúp Dinh Dưỡng Bổ Sung” (SNAP).
Nhưng, trong nhiều gia đình nghèo ở Mỹ, có lẫn cả những cư dân hợp pháp và bất hợp pháp, như các trẻ có quốc tịch vì sinh ra ở Mỹ.
Trong những trường hợp này, thường thì người lớn, vốn là di dân bất hợp pháp, nộp đơn xin trợ cấp thực phẩm.
Một số người trong số này nay cảm thấy điều đó quá nguy hiểm dưới thời chính phủ mới do việc thi hành luật di trú là ưu tiên hàng đầu.
Trên khắp nước Mỹ, có nhiều câu chuyện về người di dân bất hợp pháp từ chối nỗ lực của các tổ chức thiện nguyện nhằm ghi danh họ vào chương trình food stamp (phiếu thực phẩm), không xin tái cấp hay rút khỏi chương trình này vì sợ bị trục xuất.
“Họ không muốn viết tên và địa chỉ của họ lên mẫu đơn chính phủ vì sợ sẽ bị tìm ra và trục xuất,” theo lời Teresa Smith, giám đốc điều hành cơ quan Thiện Nguyện Công Giáo ở Orange County, California.
Chương trình food stamp mỗi tháng cấp trung bình vào khoảng $125 cho mỗi người trong gia đình để mua nhu yếu phẩm. Những người tranh đấu cho quyền lợi di dân nói rằng có quyết định không nhận phiếu thực phẩm là cả sự suy nghĩ đắn đo.
“Điều đó có nghĩa rằng ít thức ăn trên bàn hơn, số lần ăn có thể ít hơn trong các gia đình mà trẻ nhỏ có quyền được hưởng vì chúng là công dân Mỹ,” theo ông Andrew Hammond, một luật sư tại trung tâm Sargent Shriver ở Chicago.
Hiện khó mà xác định rõ ràng mức độ sâu rộng của hiện tượng này. Con số người nhận food stamp tiếp tục giảm cùng với sự phục hồi sau cuộc Đại Suy Trầm và người ta có thể ra khỏi chương trình này vì nhiều lý do khác nhau.
Ông Mark Krikorian, một người nổi tiếng tranh đấu đòi giảm thành phần di dân bất hợp pháp vào Mỹ, nói rằng tình trạng của những người này chỉ phản ánh một thực tế rõ ràng là nhiều người đến Mỹ không có được khả năng cần có để đi làm và kiếm đủ tiền sinh sống.
“Đây là một sự bắt chẹt lòng nhân, giống như nói rằng ‘nếu người Mỹ quý vị không cho tôi tiền, tôi sẽ không thể ở lại đây và nuôi các con tôi,’” ông cho hay. “Nhưng đó là sự lựa chọn của họ. Không ai buộc họ phải lén trốn vào Mỹ,” ông Krikorian cho biết tiếp.
Trong tài khóa 2015, có khoảng 3.9 triệu trẻ nhỏ, sống với cha mẹ không phải là công dân Mỹ, nhận tem phiếu thực phẩm, theo Bộ Nông Nghiệp Mỹ, cơ quan điều hành chương trình này.
Trên trang web của mình, Bộ Nông Nghiệp Mỹ nói rằng “những người không là công dân Mỹ cần phải biết là họ sẽ không bị trục xuất, hay cấm không cho trở thành thường trú nhân chỉ bởi vì họ nộp đơn hay nhận các quyền lợi từ chương trình SNAP.”
Đề xuất ngân sách của Chính phủ Brown nhằm giúp người dân California đối mặt với vấn đề bị trục xuất
Chính phủ Jerry Brown đã dành thêm 15 triệu đô-la vào ngân sách của tiểu bang để mở rộng các dịch vụ pháp lý cho người dân chống lại sự trục xuất, một động thái có thể được giải thích như là một sự đáp ứng cho các lệnh cưỡng chế nhập cư mở rộng của chính quyền Trump.