Thực hư nghịch lý mùa hè uống nước nóng còn mát hơn nước lạnh
Đối với mỗi gram mồ hôi bay hơi trên da, bạn sẽ giảm được khoảng 2,43 kJ nhiệt lượng.
03:30 23/07/2018
Mùa hè năm nào cũng vậy, điện thoại của Ollie Jay lại được dịp đổ chuông liên tục. Các phóng viên từ khắp nơi trên thế giới sẽ gọi đến cho ông và hỏi: Liệu việc uống nước nóng vào mùa hè có thực sự làm mát cơ thể hơn uống nước lạnh?
Tại Đại học Sydney, Australia, tiến sĩ Ollie Jay hiện đang là phó giáo sư Sinh lý nhiệt học, đồng thời là giám đốc Phòng thí nghiệm Công thái học nhiệt độ (một môn khoa học nghiên cứu khả năng và giới hạn của con người giúp tối ưu hóa điểm mạnh và bù trừ khiếm khuyết trên cơ thể).
Năm 2012, ông đã xuất bản một bài báo khoa học trên tạp chí Acta Physiologica chứng minh một nghịch lý: Đồ uống nóng giúp cơ thể hạ nhiều nhiệt hơn đồ uống lạnh.
Thực hư nghịch lý mùa hè nên uống nước nóng mới mát
Trong nghiên cứu của mình, tiến sĩ Jay và các đồng nghiệp đã tuyển chọn 9 người đàn ông cùng tham gia. Họ được yêu cầu đạp xe trong vòng 75 phút phía trước một cây quạt thổi liên tục với mục đích làm bay hơi toàn bộ mồ hôi toát ra.
Trong quá trình đạp xe, tình nguyện viên được cho uống nước lạnh (ở 1,6oC), nước nóng (ở 50oC) và nước nguội ở nhiệt độ phòng.
Đo đạc cho thấy, khi những người đàn ông đạp xe uống nước nóng, cơ thể họ giảm hơn 56 kJ nhiệt lượng so với uống nước thường ở nhiệt độ phòng. Trái lại, uống nước lạnh lại khiến cơ thể họ tăng nhiệt thêm 21 kJ.
"Đó là một nghịch lý", tiến sĩ Jay nói. "Một đồ uống lạnh cho bạn cảm giác mát hơn khi nó đi vào bên trong cơ thể, nhưng nó không thực sự làm cho bạn giảm nhiệt, bởi sau đó bạn sẽ giảm tiết mồ hôi”.
Đối với mỗi gram mồ hôi bay hơi trên da, bạn sẽ giảm được khoảng 2,43 kJ nhiệt lượng.
Những tình nguyện viên uống nước nóng đã đưa vào cơ thể họ thêm 52 kJ nhiệt từ nước. Nhưng khi mồ hôi bắt đầu đổ ra khỏi cơ thể, những người đàn ông này giảm được tới 108 kJ nhiệt từ sự bay hơi của mồ hôi.
Trong trường hợp đồ uống lạnh, điều ngược lại đã xảy ra. Những người đàn ông tiết mồ hôi ít hơn nhiều, và do đó lượng nhiệt giảm xuống nhờ mồ hôi bay hơi thấp hơn cả. Mặc dù nước lạnh làm giảm 138 kJ nhiệt từ cơ thể họ, nó lại ngăn chặn một lượng mồ hôi tương đương 159 kJ nên được toát ra.
Còn đối với nước nguội ở nhiệt độ phòng, lượng nhiệt mà người đạp xe nhận được và toát ra không hề thay đổi.
Đối với mỗi gram mồ hôi bay hơi trên da, bạn sẽ giảm được khoảng 2,43 kJ nhiệt lượng. Nhưng mồ hôi đọng lại như thế này thì không có tác dụng
Bây giờ, bạn biết đồ uống nóng giúp những người đàn ông đạp xe đổ mồ hôi nhiều hơn và giảm thân nhiệt nhiều hơn. Trong khi đó, đồ uống lạnh làm mát họ xuống trong tích tắc, nhưng nó lại giữ mồ hôi và khiến họ còn nóng hơn sau đó.
Vậy mọi người có nên uống trà nóng vào giữa buổi trưa tháng 7 hay không? Câu trả lời đáng tiếc là không.
"Thực sự, tôi không bao giờ ủng hộ mọi người uống nước nóng vào một ngày nóng bức", tiến sĩ Jay nhấn mạnh. Trong điều kiện thực tế hàng ngày, nhiệt lượng thoát ra từ việc đổ mồ hôi là không đáng kể.
Thử nghiệm mà ông và các đồng nghiệp đã thực hiện thì khác, những người đạp xe đã được ở trong một điều kiện thoáng gió với quạt bật liên tục. Điều này đảm bảo cho mồ hôi hễ toát ra là được bay hơi ngay, tạo ra hiệu ứng giảm nhiệt.
Ngược lại, trong điều kiện thực tế nếu mồ hôi của bạn toát ra mà đọng lại trên da, nó không làm mát cơ thể bạn. Thậm chí, những giọt mồ hôi đọng trên da còn tạo ra một cái bẫy nhiệt khiến bạn cảm thấy nóng lên.
Trở lại nghịch lý nước nóng, còn điều gì khiến cho nhiều người phải thắc mắc nữa? Tại sao nhiệt độ của nước uống vào lại ảnh hưởng đến lượng mồ hôi tiết ra?
Tiến sĩ Jay đã suy luận rằng tác động đã phải xảy ra ở đâu đó dọc theo đường tiêu hóa của nước. Có những dây thần kinh ở bụng hoặc miệng được gọi là thermoreceptor, chúng có khả năng cảm nhận được nhiệt độ từ đó tạo ra sự kiểm soát mồ hôi.
Sau nghiên cứu năm 2012, ông đã thực hiện thêm một thử nghiệm khác vào năm 2014. Lần này, tiến sĩ Jay yêu cầu các tình nguyện viên súc miệng thay vì uống nước có nhiệt độ khác nhau. Trong điều kiện kiểm soát khác, ông sẽ bơm nước trực tiếp vào dạ dày họ mà không cho nó đi qua miệng.
Kết quả là, nước súc miệng không thay đổi mức độ tiết mồ hôi. Tuy nhiên, nước bơm trực tiếp vào dạ dày của họ thì đó. Nước lạnh khiến các tình nguyện viên đổ mồ hôi ít hơn trong khi nước nóng khiến các tình nguyện viên đổ mồ hôi nhiều hơn là nhờ thụ thể cảm nhận nhiệt độ trong dạ dày.
Bạn có thể chườm đá để cảm thấy mát hơn
Thực tế, những thụ thể nhiệt độ trong dạ dày không phải là con đường thần kinh duy nhất có thể bị đánh lừa. Bạn vẫn thường thấy nhiều người chườm đá sau cổ trong phòng tập gym. “Nó sẽ không làm hạ nhiệt não bộ của bạn xuống”, tiến sĩ Jay nói. Nhưng nếu bạn thử, cảm giác cũng rất thoải mái.
Một túi nước đá sẽ lấy đi nhiệt ở máu dưới da, nhưng nó không đủ để làm mát bạn. Thay vào đó, cảm giác mát đến từ việc các thụ thể nhiệt ở đầu các dây thần kinh sau cổ, giống với những gì xảy ra trong dạ dày của bạn.
Chườm đá sẽ giúp đánh lừa não và bạn sẽ tiết ít mồ hôi hơn trong phòng tập.
Điều tương tự cũng xảy ra trong khi bạn ngủ, khi bàn chân cũng là một nơi tập hợp nhiều dây thần kinh cảm nhận nhiệt độ. "Khi lên giường, một trong những hành động đầu tiên bạn sẽ cố gắng làm để cảm thấy mát hơn là thò chân ra ngoài chăn", tiến sĩ Jay nói.
Vì vậy, có lẽ chúng ta nên biết ơn các thụ thể nhiệt độ trong dạ dày, sau gáy và cả dưới lòng bàn chân của chúng ra. Nắm được sự hoạt động của chúng có thể giúp bạn thực hành một vài mẹo nhỏ để chống lại mùa hè nóng bức.
Trong khi uống nước nóng để đổ nhiều mồ hôi hơn có vẻ là một hành động không khôn ngoan vào lúc này, bạn có thể biết mình sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi uống nước lạnh, chườm đá hoặc làm mát bàn chân của mình.
Một loạt động đất xảy ra ở bắc California, gần các suối phun nước nóng
Một trận động đất mạnh 4.2 độ đã đánh vào một khu nằm cách suối phun nước nóng nổi tiếng Geysers khoảng 3 dặm về hướng tây bắc vào tối hôm qua và tiếp theo có một loạt dư chấn, theo tin từ cơ quan US Geological Survey (USGS) cho hay.